Nỗ lực chăm lo cho thân nhân liệt sĩ

Những năm qua, cùng với các hoạt động tri ân, chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình người có công với cách mạng, giải quyết việc làm cho thân nhân liệt sĩ là một trong những chính sách nhân văn, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước nhằm thể hiện truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', 'Đền ơn đáp nghĩa' của dân tộc ta. Qua đó, góp phần tạo 'điểm tựa' vững chắc để các đối tượng chính sách nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.

Trung tá Ngô Văn Sáng luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó - Ảnh: T.P

Trung tá Ngô Văn Sáng luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó - Ảnh: T.P

Mỗi khi nhắc về gia đình, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Vĩnh Linh, Trung tá Ngô Văn Sáng luôn tự hào về người cha là liệt sĩ mà anh chưa kịp nhớ mặt. Cha của anh là liệt sĩ Ngô Văn Lân, hy sinh khi anh mới tròn 1 tuổi. Thế nên những hình ảnh, câu chuyện trong anh về người cha anh dũng chỉ được tái hiện qua lời kể của mẹ, người thân và đồng đội của cha.

Từ nhỏ anh nuôi nấng tình yêu với màu xanh áo lính và quyết tâm đi theo con đường binh nghiệp để tiếp bước cha mình cống hiến, bảo vệ cho đất nước, quê hương. “Nối tiếp truyền thống của gia đình, tôi đã cố gắng học tập, rèn luyện không ngừng để trở thành một người lính như cha.

Rất may mắn là trên hành trình này, tôi không đơn độc mà luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần từ Đảng, Nhà nước và từ những đồng chí, đồng đội của cha mình. Đặc biệt, cuối năm 2012, sau một thời gian công tác tại Quân khu 5, tôi được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ CHQS tỉnh tạo điều kiện cho phép thuyên chuyển về công tác tại địa phương”, anh Sáng bộc bạch.

Đến nay, trên cương vị là Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Vĩnh Linh, anh được mọi người đánh giá là người quyết đoán, thẳng thắn trong công việc, luôn hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó và được cấp dưới kính trọng. Anh Sáng cho hay: “Ngoài sự nỗ lực của bản thân, việc được các cấp chỉ huy tạo điều kiện trong quá trình công tác đã giúp tôi có được ngày hôm nay.

Vì vậy tôi luôn tâm niệm trong công việc, bản thân mình phải đặt hết tâm sức, nỗ lực phục vụ Nhân dân. Còn với gia đình thì phải có trách nhiệm, mẫu mực, dạy dỗ các con nên người, học tập và làm việc cống hiến cho Tổ quốc. Đây cũng là cách mà tôi nối tiếp truyền thống cha ông, góp công xây dựng quê hương”.

Khác với Trung tá Ngô Văn Sáng, Trung úy Nguyễn Thị Giao Linh (sinh năm 1980), hiện đang công tác tại Văn phòng Phòng tham mưu, Bộ CHQS tỉnh là 1 trong 2 trường hợp vợ liệt sĩ được tuyển dụng vào làm tại Bộ CHQS tỉnh theo chính sách giải quyết việc làm cho thân nhân liệt sĩ. Chồng của chị là liệt sĩ Phạm Ngọc Quyết, một trong 22 liệt sĩ thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã hy sinh khi giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ ở Hướng Hóa năm 2020. Đến bây giờ, sự ra đi của anh với mẹ con chị vẫn là nỗi đau đớn tận cùng. “Trước đây, tôi chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ để phụ chồng nuôi con.

Gia đình cả hai bên nội, ngoại vốn ở xa nên từ khi lấy nhau, vợ chồng tôi nương tựa vào nhau mà sống. Ngày anh ấy hy sinh, tôi gần như không thể đứng vững nữa bởi vừa phải chịu đựng nỗi đau mất đi người chồng thân yêu, vừa lo lắng cho những đứa con thơ dại. Câu hỏi mình phải tiếp tục sống như thế nào đây? cứ mãi luẩn quẩn trong đầu tôi”, chị Linh tâm sự.

Thế rồi vào tháng 11/2020, chị được nhận Quyết định tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, phụ trách công tác lễ tân, văn thư tại Bộ CHQS tỉnh. Công việc này không chỉ ổn định mà còn phù hợp về mặt thời gian, giúp chị có thêm điều kiện để chăm lo cho các con.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Linh cho hay: “Chính sách tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp đối với thân nhân của liệt sĩ thật sự đã cho tôi một điểm tựa lớn, trở thành một bước ngoặt trong đời tôi. Sự ổn định về công việc không chỉ giúp bản thân tôi vững vàng hơn trong cuộc sống mà còn giúp con cái có sự chăm lo tốt hơn cả về tinh thần và vật chất. Ban đầu tôi cũng lo là mình không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng với sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo và các đồng nghiệp, tôi đã thích nghi và hòa nhập tốt hơn với môi trường này, điều đó khiến tôi vô cùng xúc động”. Có thể thấy, chính những sự động viên, quan tâm, kịp thời và đầy nhân văn như vậy đã giúp cho không chỉ chị Linh hay anh Sáng mà với nhiều thân nhân của liệt sĩ khác cảm thấy được sẻ chia, tìm được điểm tựa vững vàng hơn trong cuộc sống.

Chăm lo đời sống người có công vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, của quân đội và lực lượng vũ trang tỉnh; thi đua thực hiện tốt công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.

Đồng thời, quán triệt tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội, gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức phụng dưỡng, chăm sóc, thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH); tổ chức dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân liệt sĩ...

Ngoài ra, Tỉnh đội cũng vận động cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện có hiệu quả các chương trình như: phụng dưỡng 6 Bà mẹ VNAH; xây dựng nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 5,7 tỉ đồng...

Nói riêng về công tác giải quyết việc làm cho thân nhân liệt sĩ, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Nguyễn Bá Duẩn cho hay, đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã tuyển dụng 2 trường hợp vào công tác tại Bộ CHQS tỉnh là vợ của các liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Dưới sự giúp đỡ, tạo điều kiện của thủ trưởng, đồng chí, đồng đội, họ đã hòa nhập được với công tác đặc thù của quân đội.

“Việc tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp là thân nhân liệt sĩ vào làm việc trong quân đội là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, kịp thời và nhân văn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đối với những tấm gương hy sinh vì dân, vì nước cũng như thể hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, nhằm động viên kịp thời trước sự mất mát quá lớn đối với gia đình các liệt sĩ”, Đại tá Nguyễn Bá Duẩn nói.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/no-luc-cham-lo-cho-than-nhan-liet-si/178644.htm