Nỗ lực chặn đứng lây lan bệnh Tả lợn châu Phi

BHG - Do điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, thuận lợi cho vi rút phát triển nên chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện lợn mắc bệnh Tả lợn châu Phi (TLCP). Quyết tâm chặn đứng bệnh dịch lây lan, các ngành chức năng và địa phương đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần gần đây, tình trạng lợn mắc bệnh TLCP đang có chiều hướng gia tăng, xuất hiện ở nhiều địa phương, khiến người chăn nuôi lao đao. Chỉ tính từ ngày 29 - 31.7.2024, tổng số lợn tiêu hủy bắt buộc 1.576 con/238 hộ/62 thôn/20 xã/6 huyện, thành phố với tổng trọng lượng trên 60,4 tấn. Bệnh dịch đã xuất hiện tại các huyện Đồng Văn, Xín Mần, thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Bắc Mê, Yên Minh. Giống như hầu hết các hộ có lợn mắc bệnh TLCP, hộ Nguyễn Văn Tuấn, thôn Bản Lè, xã Du Tiến (Yên Minh) không khỏi xót xa khi mất đi đàn lợn của gia đình. Ông Tuấn buồn rầu: “Kinh tế gia đình vất vả, cả nhà chủ yếu trông chờ vào đàn lợn nhưng giờ mất hết rồi. Xót lắm, nhưng để bệnh dịch không lây lan, gia đình tôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp tiêu hủy của ngành chức năng”.

Huyện Mèo Vạc chủ động lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn bệnh Tả lợn châu Phi.

Huyện Mèo Vạc chủ động lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn bệnh Tả lợn châu Phi.

Quyết tâm phòng, chống bệnh dịch, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút bệnh TLCP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện kết hợp với UBND xã nơi có bệnh dịch xảy ra thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lợn theo quy định và thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực ổ dịch bằng vôi bột và hóa chất. UBND các huyện có dịch đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh TLCP trên địa bàn xã có dịch theo quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trịnh Văn Bình cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh và trực tiếp ban hành các công văn, văn bản tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TLCP trên địa bàn tỉnh. Để giúp đỡ các địa phương, lãnh đạo sở và chi cục đã trực tiếp xuống xã có dịch chỉ đạo xử lý ổ dịch và tiêu hủy lợn theo quy định. Đồng bộ các giải pháp dập dịch, các huyện thành lập chốt kiểm dịch tạm thời tại các thôn, xã có dịch để ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn; phun vệ sinh sát khuẩn các phương tiện ra, vào khu vực có ổ dịch. Sử dụng trên 1.784 lít hóa chất và trên 27,7 tấn vôi bột để xử lý tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh.

Quản Bạ là địa phương triển khai công tác tiêm phòng vắc xin dịch TLCP số lượng lớn. Đến nay, huyện đăng ký mua 4.775 liều/11 xã để triển khai tiêm phòng, chống dịch. Chỉ trong vòng 5 ngày, từ 27 – 31.7.2024, huyện triển khai tiêm được 1.210 con/2 xã; lũy kế có 2.550 con/3 xã Tùng Vài, Thanh Vân, Cao Mã Pờ đã được tiêm phòng. Đồng thời, tiến hành theo dõi đàn lợn đã được tiêm phòng để có biện pháp xử lý kịp thời và kiên quyết xử lý 1 vụ vận chuyển lợn trong vùng dịch không có giấy tờ, với số lượng 12 con, trọng lượng 1 tấn bằng hình thức tiêu hủy toàn bộ số lợn và xử phạt 4,5 triệu đồng.

Xã Na Khê (Yên Minh) lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát tình hình bệnh dịch.

Xã Na Khê (Yên Minh) lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát tình hình bệnh dịch.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ, Nguyễn Chiến Thuật cho biết: Để ngăn chặn bệnh dịch lây lan, huyện chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp theo kế hoạch của UBND tỉnh, tập trung nguồn lực của địa phương, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí để xử lý dứt điểm các ổ dịch TLCP, không để phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra toàn bộ các xã để chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Thành lập các tổ lưu động kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn. Thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc theo quy định 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu và 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.

Để hạn chế bệnh dịch lây lan, ngoài các giải pháp căn cơ, các địa phương trong tỉnh đang chú trọng thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở kịp thời phát hiện, khai báo và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện lợn bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Tiến hành rà soát, thống kê, phân loại đàn lợn trên địa bàn toàn xã để quản lý.

Không chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, các huyện chưa có lợn mắc bệnh TLCP đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch động vật theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh và ngành chuyên môn. Thành lập đoàn kiểm tra các xã để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh TLCP; thành lập các tổ liên ngành lưu động, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn vào địa bàn, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó nếu dịch xảy ra.

Bệnh TLCP có khả năng lây lan nhanh, gây hậu quả khó lường đối với người chăn nuôi. Bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng với sự chung tay của người dân trong việc thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, tin rằng sẽ sớm giúp ngành chăn nuôi chặn đứng bệnh dịch để duy trì sự phát triển ổn định.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/no-luc-chan-dung-lay-lan-benh-ta-lon-chau-phi-3d15841/