Nỗ lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là học sinh khối lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022. Đây là khoảng thời gian quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả kỳ thi. Lượng kiến thức cần phải chuẩn bị là rất lớn, vì vậy thầy cô và học sinh đang phải nỗ lực với mong muốn thu nhận được kết quả tốt nhất cho kỳ thi.
Áp lực học sinh cuối cấp
Năm nay, học sinh cuối cấp có một học kỳ đặc biệt, vì vừa phải phòng, chống dịch Covid-19 vừa tìm cách ôn thi hiệu quả khi phải liên tục đón nhận những thay đổi trong thời gian ngắn. Áp lực về kiến thức sau thời gian học trực tuyến, áp lực về điểm số và cả sự kỳ vọng của phụ huynh, thầy cô khiến các em đang phải nỗ lực thật nhiều và đương nhiên, cũng lo lắng thật nhiều.
Vừa quay trở lại học trực tiếp tại trường, em Phạm Thị Bích Trâm, lớp 12, Trường THPT thị xã Bình Long tỏ ra lo lắng khi lượng kiến thức bị thiếu hụt khá nhiều. Em chọn thi khối A nhưng các môn Toán, Lý, Hóa lại xuất hiện nhiều “lỗ hổng” sau thời gian học trực tuyến. “Khi quay trở lại học trực tiếp, thầy cô cho chúng em làm bài kiểm tra lại kiến thức đã học và em cảm thấy hoang mang vì bản thân bị hổng kiến thức nhiều quá” - Bích Trâm chia sẻ.
Trở lại với nếp sinh hoạt học tập ngày thường, ngoài phải nhanh chóng thích ứng với guồng học, học sinh cuối cấp còn phải luôn chú ý đến những thay đổi trong phương thức thi và tuyển sinh đại học. Không ít học sinh vẫn chưa thể chắc chắn cho những nguyện vọng của mình mà chủ yếu chỉ tập trung ôn theo khối thi. Ngoài nỗi lo có hoàn thành kịp chương trình học và thi tốt trong thời gian ngắn hay không, nỗi lo lớn nhất của cả thầy và trò chính là việc liệu sẽ có thêm biến cố nào nữa liên quan đến dịch bệnh. Em Bùi Ngọc An Phú, lớp 12, Trường THPT thị xã Bình Long cho biết: “Khóa của chúng em 3 năm học phổ thông đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải học trực tuyến. Thời gian tự học khá nhiều mà lại không hiệu quả so với học trên lớp nên cũng rất lo”.
“Thầy cô biết học sinh thời điểm này rất áp lực nên cũng tạo điều kiện tổ chức các hoạt động nhỏ trong những giờ sinh hoạt hoặc thời gian nghỉ giữa giờ để các em kết nối với nhau, như vậy cũng góp phần giải tỏa áp lực cho học sinh”.
Cô Bùi Phước Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT thị xã Bình Long
Áp lực học hành, thi cử càng nhiều hơn với các em trong thời gian gấp rút này. Tâm lý của các em lại thiếu đi sự cân bằng khi không được tham gia các hoạt động xã hội ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là các phong trào, hoạt động đoàn - đội. Giao tiếp, tương tác xã hội bị gián đoạn cũng là nguyên nhân khiến các em trở nên căng thẳng hơn, dẫn đến tâm lý bất ổn.
Tranh thủ “thời gian vàng”
Dạy bài mới kết hợp với củng cố, ôn tập kiến thức cũ là phương pháp được các trường học áp dụng nhằm bù lại những lỗ hổng kiến thức trong học kỳ 1 khi dạy và học trực tuyến. Thời gian còn lại của năm học không nhiều, vì vậy, để tránh tình trạng dồn ép kiến thức ôn tập vào cuối năm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch cho học sinh ôn tập. Khi thì ôn trực tiếp ở lớp, khi gửi đề cương để học sinh tự học ở nhà, từ đó giúp các em có thể ôn bài một cách khoa học, hợp lý về thời gian. Cách làm linh hoạt như vậy khiến học sinh chủ động hơn trong việc học của mình. Em Vũ Thị Anh Thư, lớp 12, Trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã Bình Long chia sẻ: “Ngoài thời gian học trên lớp, buổi tối em làm thêm các đề thi tham khảo trên mạng để nắm vững kiến thức. Hiện các video bài học do thầy cô giảng có trên mạng xã hội YouTube khá nhiều nên bài nào không hiểu em có thể tự lên mạng xem lại lần nữa”.
Để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh học trực tiếp, các trường đã tăng tiết đối với các môn thi tốt nghiệp. Cùng với đó, giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy, liên tục cập nhật phương án tuyển sinh của các trường đại học, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức theo từng nhóm học sinh để đạt mục tiêu đề ra. Năm nay, mỗi trường đại học có phương thức xét tuyển và kỳ thi khác nhau, nhiều cơ hội hơn cho học sinh nhưng đồng thời lại tăng thêm áp lực khi các em phải chuẩn bị cùng lúc cho nhiều kỳ thi.
Bên cạnh đó, sau khi Bộ GD&ĐT cho khung chương trình giảm tải thì khối lượng kiến thức đã cô đọng hơn, thời gian ôn tập cũng như số tiết đã thoải mái hơn. Cô Phạm Thị Thanh Hằng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã Bình Long cho biết: “Trong kế hoạch học tập, nhà trường luôn tạo tâm thế thoải mái cho học sinh trong thời gian này. Đặc biệt là khuyến khích thầy cô cho học sinh làm những dạng bài dễ nhưng phù hợp với năng lực của các em, đồng thời xoáy vào kiến thức trọng tâm”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là thách thức lớn với học sinh khối lớp 12 khi các em phải trải qua gần 3 năm học đầy biến động do dịch Covid-19. Hầu hết các trường đều đang nỗ lực để có thể kết thúc sớm chương trình học cho các em và chuyển hẳn sang giai đoạn ôn tập, đồng thời thường xuyên hỗ trợ, tư vấn cho học sinh để các em chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng cho kỳ thi cuối năm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/132975/no-luc-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt