Nỗ lực chống biến đổi khí hậu 5 năm ký kết Thỏa thuận Paris
Việt Nam đang tiên phong triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thành những quy định cụ thể.
Chỉ tính riêng năm 2020, bên cạnh những tác động nặng nề của Covid-19, những diễn biến cực đoan về khí hậu đã gây ra ảnh hưởng nặng nề cho đời sống xã hội cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, đợt xâm nhập mặn hồi đầu năm khiến hoạt động canh tác nông nghiệp tại miền Tây Nam bộ chịu nhiều thiệt hại. Cùng với đó, nông dân Tây Nguyên cũng phải vật lộn với bài toán cân đối nước tưới tiêu do hạn hán kéo dài.
Đặc biệt, đợt thiên tai lịch sử với những cơn “bão chồng bão, lũ chồng lũ” gây ra biết bao đau thương, mất mát, thiệt hại về người và của khó có thể đo đếm được.
Theo báo cáo chỉ số rủi ro biến đổi khí hậu toàn cầu 2020, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 về những thách thức gặp phải do biến đổi khí hậu gây ra.
Nỗ lực thực thi thỏa thuận Paris
PGS.TS Ngô Đức Thành, Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội nhận định, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, các tình huống thời tiết được coi là cực đoan có thể sẽ trở nên “quen thuộc” hơn trong tương lai.
Đây chính là lý do dẫn tới việc các thành viên của Liên hiệp quốc chung tay xây dựng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, với mục tiêu giữ cho nền nhiệt trung bình không tăng quá 2 độ C cho đến cuối thế kỷ. Thỏa thuận Paris được hơn 170 quốc gia, trong đó có Việt Nam bắt đầu đặt bút ký kết từ ngày 22/4/2016.
Từ đó, Thỏa thuận Paris đã trở thành kim chỉ nam cho những kế hoạch, phương án ứng phó, ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Sau 5 năm triển khai Thỏa thuận Paris, cho đến nay đã có 30 quốc gia áp dụng thuế các bon, 31 quốc gia áp dụng hệ thống trao đổi tín chỉ các bon, cùng nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, triển khai sáng kiến, cho thấy quyết tâm của toàn thế giới đối với việc giải quyết các vấn đề khí hậu.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết, nhận thức rõ về những đe dọa có thể xảy đến, Việt Nam đã đặt việc thực thi các cam kết trong Thỏa thuận Paris trở thành một trong những mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu.
Theo đó, ngay sau khi ký kết Thỏa thuận Paris, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu gấp rút tiến hành phê chuẩn và xây dựng kế hoạch triển khai. Ngày 31/10/2016, Việt Nam chính thức phê chuẩn thỏa thuận và trở thành nước đang phát triển đầu tiên có kế hoạch thực hiện ngay sau khi phê chuẩn.
Tiếp đó, đến ngày 11/9 vừa qua, Việt Nam trở thành 1 trong số 20 quốc gia đầu tiên trình "Đóng góp do quốc gia tự quyết định" (NDC) lên ban thư ký công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thể hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với những chiến lược và mục tiêu dài hạn.
Xây dựng thị trường hạn ngạch khí thải
Ngày 17/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với một chương riêng về biến đổi khí hậu và trách nhiệm triển khai Thỏa thuận Paris.
“Chúng ta đang nỗ lực, đang tiên phong triển khai Thỏa thuận Paris thành những quy định cụ thể. Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn xã hội, trong”, ông Tấn nhận xét.
Một điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được đánh giá cao là quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm kiểm kê khí thải nhà kính, kèm theo lộ trình cắt giảm rõ ràng.
Trên cơ sở đó, cơ chế thị trường về hạn ngạch khí thải cũng đang được lên kế hoạch triển khai, với thời gian chuẩn bị là 5 năm, tạo ra lợi nhuận cho việc cắt giảm khí thải đối với doanh nghiệp.
Thực tế, trên thế giới thị trường hạn ngạch khí thải đã xuất hiện kể từ sau Nghị định thư Kyoto năm 1997. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính riêng năm 2019, thị trường hạn ngạch khí thải có quy mô khoảng 45 tỷ USD, góp phần kiểm soát được 22% lượng khí nhà kính trên toàn cầu.
“Doanh nghiệp thường phải quan tâm đến lợi nhuận.Tạo ra lợi nhuận chính là tạo động lực để doanh nghiệp tích cực bảo vệ môi trường”, ông Tấn nhận xét.
Thúc đẩy năng lượng sạch
Bàn về những nỗ lực cắt giảm khí thải, phòng ngừa rủi ro biến đổi khí hậu, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, những tín hiệu đáng mừng đang được ghi nhận trong ngành năng lượng.
Theo đó, nhờ vào chính sách tài trợ của nhà nước cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo đang “bùng nổ”, kéo theo sự thoái trào của nhiệt điện than.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cùng đề án quy hoạch điện VIII cũng tiếp tục khẳng định quan điểm và chủ trương của nhà nước trong việc chuyển đổi năng lượng sạch, ít phát thải, hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, quy hoạch năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức, đòi hòi những nỗ lực mạnh mẽ hơn để tạo sự đột phá.
Cụ thể, bà Khanh nhận định, việc phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời cần sử dụng nhiều diện tích đất đai, do đó cần những giải pháp về quy hoạch cũng như đảm bảo sinh kế của người dân để tránh gây ra mâu thuẫn và bất ổn xã hội.
Mặt khác, các chính sách chưa đem lại tầm nhìn dài hạn, ví dụ như cơ chế trợ giá điện sẽ hết hạn vào 31/12 nhưng vẫn chưa có kế hoạch tiếp tục, gây e ngại về rủi ro chính sách cho các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm với bà Khanh, ông Tấn cho biết, phát triển điện tái tạo đang vướng những cản trở liên quan đến chi phí, cần phải tính toán sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, từ nay cho đến năm 2025 sẽ là khoảng thời gian quan trọng để Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách về khí hậu, cũng như lên phương án về tài chính, nhân lực, công nghệ giúp đảm bảo thực hiện ngăn ngừa biến đổi khí hậu đạt được hiệu quả cao.