Nỗ lực chống buôn lậu và gian lận thương mại

Cục Quản lý thị trường (QLTT) đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế các hành vi kinh doanh trái pháp luật, góp phần thiết thực trong phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng xuất khẩu, tăng thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm đếm tang vật vi phạm.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm đếm tang vật vi phạm.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian qua trên địa bàn tỉnh không có diễn ra phức tạp, hoạt động ngăn chặn mang lại kết quả tích cực, nhiều vụ việc vi phạm hành chính có trị giá lớn bị xử lý kịp thời, nhiều vụ việc về hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm, sử dụng môi trường điện tử để giới thiệu, kinh doanh hàng hóa,… được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý đúng quy định của pháp luật, góp phần răn đe và bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên địa bàn tỉnh tiếp tục được ngăn chặn, kiểm soát ngay từ tuyến biên giới, không để hình thành các tụ điểm, đường dây buôn lậu, hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên thị trường nội địa diễn ra nhỏ lẻ với giá trị hàng hóa vi phạm thấp. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả đều là hoạt động mua bán của các thương nhân, hàng hóa vi phạm lưu thông trên địa bàn tỉnh đều được vận chuyển từ các địa phương khác đến, thông qua nhiều kênh vận chuyện khác nhau, không có hành vi liên quan đến hoạt động sản xuất.
Trong nội địa, hàng lậu được trà trộn bằng nhiều phương thức. Hàng hóa khi xuất bán không xuất hóa đơn giá trị gia tăng ngay, hoặc xuất hóa đơn giá trị gia tăng nhưng ghi không đầy đủ số lượng, chủng loại hàng hóa khi xuất kho, tạo điều kiện cho hành vi xoay vòng hóa đơn, việc đối chiếu của lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán với nhiều loại mặt hàng khác trên cùng một quầy, kệ. Chủ yếu là hàng hóa được sang chiết, chia nhỏ từ những bao bì lớn nên không có tem, nhãn theo quy định.

Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các phòng tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ, các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các mặt hàng, lĩnh vực lưu thông trên thị trường. Thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xử lý vi phạm hành chính. Gắn việc kiểm tra, xử lý với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân. Các Đội QLTT tiến hành ký cam kết tuyên truyền đến 613 cơ sở, niêm yết 41 bảng đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phát 403 tờ rơi. Tổ chức 3 hội nghị phổ biến pháp luật cho công chức, người lao động Cục, triển khai ngày pháp luật. Tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền pháp luật thương mại cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Đồng chí Tô Vũ Đức, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Đội QLTT số 1 (quản lý địa bàn Thành phố và 2 huyện Hòa An, Thạch An) làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Để làm tốt công tác QLTT trên địa bàn quản lý, Đội triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Cục; phân công các tổ công tác quản lý địa bàn tại 2 huyện Hòa An, Thạch An và các xã, phường tại Thành phố. Các tổ quản lý địa bàn thực hiện tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT kiểm tra 345 lượt cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn, phát hiện, xử lý 183 vụ vi phạm hành chính. Trong đó, phát hiện, xử lý 55 vụ vi phạm về giá, niêm yết giá; 35 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 34 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 25 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu; 11 vụ vi phạm lĩnh vực y tế…, xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 1,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,3 tỷ đồng. Bán thanh lý tang vật vi phạm hành chính trị giá 539 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính trị giá 190 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật trị giá 180 triệu đồng.

Theo Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Trần Mạnh Hùng, để thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Cục QLTT tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh và Đảng ủy Cục để triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống cách mạng cho công chức, người lao động gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Kiên quyết xử lý nghiêm công chức, người lao động thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn để các vi phạm xảy ra trên địa bàn quản lý mà không kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân thực hiện nội dung 4 không (không kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không chèo kéo khách hàng; không nâng giá, ép giá để thu lợi bất hợp pháp). Chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Vũ Tiệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-chong-buon-lau-va-gian-lan-thuong-mai-3170338.html