Nỗ lực co kéo trụ, thanh khoản sụt giảm mạnh
Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn nhất như VHM, VIC, VCB, BID, FPT giằng co quanh tham chiếu trong khi VNM bất ngờ nổi bật nhưng cũng không thể xoay chuyển tình thế. VN-Index từ chỗ giảm sâu nhất gần 3 điểm đảo chiều tăng cao nhất 2,3 điểm và kết phiên tăng 0,28 điểm. Biên độ dao động rất hẹp này xuất hiện trên nền thanh khoản kém nhất 7 phiên sáng trở lại đây...
Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn nhất như VHM, VIC, VCB, BID, FPT giằng co quanh tham chiếu trong khi VNM bất ngờ nổi bật nhưng cũng không thể xoay chuyển tình thế. VN-Index từ chỗ giảm sâu nhất gần 3 điểm đảo chiều tăng cao nhất 2,3 điểm và kết phiên tăng 0,28 điểm. Biên độ dao động rất hẹp này xuất hiện trên nền thanh khoản kém nhất 7 phiên sáng trở lại đây.
Diễn biến độ rộng VN-Index cũng cho thấy hiện tượng “đánh võng” xuất hiện ở cả cổ phiếu: Tại đáy lúc 10h20 chỉ số ghi nhận 112 mã tăng/197 mã giảm, tại đỉnh lúc 11h08 là 167 mã tăng/151 mã giảm và kết phiên là 156 mã tăng/166 mã giảm. Đây là trạng thái giằng co cân bằng khá tích cực nếu nhìn từ phiên lao dốc hôm qua cũng như chứng khoán thế giới có phiên điều chỉnh.
Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay sụt giảm mạnh hơn 34% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 5.075 tỷ đồng, thấp nhất 7 phiên. Tính cả HNX, thanh khoản giảm 35% còn 5.344 tỷ đồng. Rổ VN30 cũng giảm hơn 32% chỉ đạt 2.829 tỷ đồng.
Thanh khoản giảm không hẳn là tín hiệu xấu vì thị trường đang đi đến thời điểm đáo hạn phái sinh và nhà đầu tư có xu hướng giao dịch thận trọng. Mặt khác, tuy thanh khoản giảm nhưng cổ phiếu cũng không biến động nhiều. Cụ thể, một mặt độ rộng tổng thể cân bằng, mặt khác trong số 166 mã đỏ chỉ có 41 mã giảm hơn 1% với thanh khoản chỉ chiếm 7,1% giá trị khớp sàn HoSE. Phía 156 mã tăng cũng chỉ 47 mã tăng hơn 1%, tập trung 21,2% thanh khoản sàn. Nhìn từ góc độ phân bổ dòng tiền thậm chí phía tăng còn nhỉnh hơn.
Hai cổ phiếu hút dòng tiền và có tiến triển giá khả quan nhất là MWG với 508,3 tỷ đồng, giá tăng 1,71% và EIB với 105,2 tỷ giá tăng 2,47%. Còn lại vài cổ phiếu đáng kể là PET tăng 4,54% với 69,4 tỷ; DRC tăng 3,63% với 33 tỷ; BMP tăng 2,05% với 23,7 tỷ; TCH tăng 1,87% với 42,8 tỷ; VNM tăng 1,5% với 89 tỷ; DBD tăng 1,44% với 30,6 tỷ; VIX tăng 1,33% với 110,6 tỷ.
VNM đang là cổ phiếu blue-chips mạnh nhất của VN-Index, kéo lại khoảng 0,5 điểm cho chỉ số. MWG đứng thứ hai với mức tăng 1,71% do vốn hóa kém đáng kể. VNM sáng nay quay đầu tăng từ đáy 2,5 tháng sau nhịp điều chỉnh hơn 9% kể từ đỉnh tháng 8/2024. MWG có phiên tăng thứ hai liên tiếp sau nhịp điều chỉnh xấp xỉ 9%. Ngoài hai trụ này, rổ VN30 chỉ còn 8 mã khác tăng giá với biên độ nhẹ. VN30-Index chốt phiên giảm 0,01% với 10 mã tăng/14 mã giảm. Phía giảm giá có 3 mã giảm quá 1% nhưng may mắn là đều ít ảnh hưởng do vốn hóa nhỏ. Đó là SSB giảm 2,01%, PLX giảm 1,75%, HDB giảm 1,1%, VJC giảm 1,04%.
Diễn biến giằng co của VN-Index sáng nay chủ đạo là do nhóm vốn hóa lớn nhất cân bằng được. Trong 10 mã vốn hóa hàng đầu thì chỉ 4 mã giảm, 4 mã tham chiếu và 2 mã tăng. Không mã nào trong số này giảm quá 0,3% nên tác động không nhiều. VCB, BID, VHM, CTG là 4/5 mã lớn nhất thì tham chiếu.
Do đại đa số cổ phiếu cũng như tới gần 72% thanh khoản sàn HoSE tập trung ở nhóm dao động tăng giảm rất ít nên thị trường sáng nay là cân bằng. Thanh khoản xuống thấp cũng cho thấy áp lực bán đã nhẹ đi nhiều so với chiều hôm qua giúp khả năng giữ giá thuận lợi hơn. Ví dụ sàn HoSE hiện đang có 11 cổ phiếu thanh khoản cao nhất vượt 100 tỷ đồng thì chỉ 4 mã đỏ, còn lại vẫn xanh. Phân bổ vốn tổng thể ở nhóm 156 mã xanh khoảng 48,1% giá trị sàn và ở 166 mã đỏ khoảng 38,2% giá trị sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài có phiên sáng thứ 4 bán ròng liên tiếp trên HoSE với -123,9 tỷ đồng. Giao dịch rút ròng tập trung tại VCB -31,6 tỷ, FPT -30,5 tỷ, HDB -23,7 tỷ, MSB -22,4 tỷ, DBC -21,8 tỷ. Phía mua ròng có hai mã đáng chú ý là MSN +52,6 tỷ và MWG +32,6 tỷ.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/no-luc-co-keo-tru-thanh-khoan-sut-giam-manh.htm