Nỗ lực cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực KH&CN

BHG - Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT – XH được Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, trong đó có việc tăng cường liên kết các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) , các doanh nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật. Từ năm 2020 đến nay, Sở KH&CN đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh về phát triển KH&CN nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý, từng bước thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Gần 5 năm qua, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng 10 chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh về phát triển KH&CN; hoạt động nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến tính ứng dụng, hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực. Các chương trình, đề tài khoa học, đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã bám sát và phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển KT - XH. Ngành KH&CN tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục đối với 66 nhiệm nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh. Đến nay đã tổ chức nghiệm thu được 32 nhiệm vụ. Ngoài ra, từ năm 2020-2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đặt hàng và được Bộ KH&CN tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt triển khai 9 nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia. Đến nay đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở 2 nhiệm vụ.

Giám đốc Sở KH&CN Phan Đăng Đông báo cáo, trao đổi tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Sở. Ảnh: Văn Nghị

Giám đốc Sở KH&CN Phan Đăng Đông báo cáo, trao đổi tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Sở. Ảnh: Văn Nghị

Từ nguồn kinh phí hoạt động KH&CN, đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án về ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược... Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, đã có 17 quy trình kỹ thuật công nghệ được nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu của tỉnh; 68 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật được triển khai vào sản xuất và đời sống, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đã và đang góp phần tích cực thực hiện 5 Chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Những năm qua, đã có 733 lượt người được tham gia đào tạo, tập huấn, tiếp cận với các tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ KH&CN đã tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi cho đội ngũ tri thức của tỉnh được tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học; đã huy động được gần 100 lượt cán bộ của tỉnh tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực dự báo, năng lực phân tích, hoạch định chiến lược cho đội ngũ cán bộ địa phương.

Từ tực tiễn thời gian qua có thể thấy, các nhiệm vụ KH&CN được triển khai theo hướng phục vụ cho việc phát triển, nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè Shan tuyết, dược liệu, bò Vàng, phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ chế biến các sản phẩm nông, lâm sản và dược liệu. Nổi bật như các đề tài: “Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang“; “Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng Cao nguyên đá”; Dự án “Ứng dụng KH&CN trong sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau tại tỉnh Hà Giang”; Đề tài “Thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang”; đề tài ‘‘Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu thông tin thông minh tỉnh Hà Giang”…

Lãnh đạo, cán bộ Sở KH&CN cùng các đơn vị điều tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại cây cam Sành và xây dựng quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu bệnh.

Lãnh đạo, cán bộ Sở KH&CN cùng các đơn vị điều tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại cây cam Sành và xây dựng quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu bệnh.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2024, các đồng chí lãnh đạo Sở KH&CN cũng phấn khởi chia sẻ: Nỗ lực của ngành KH&CN đã và đang đem đến những đóng góp hiệu quả trong đời sống. Trong thời gian qua, các nhiệm vụ về sở hữu trí tuệ đã tổ chức nghiệm thu tổng kết 6 nhiệm vụ. Đến nay các nhiệm vụ sở hữu trí tuệ trong giai đoạn 2021- 2024 đã được cấp 3 giấy chứng nhận, gồm: Bánh chưng gù Ngọc Đường; hồi Yên Minh; gạo Khẩu mang Đồng Văn; đồng thời rà soát, chỉnh sửa quy chế quản lý, hệ thống nhận diện cho 3 nhãn hiệu dùng chung. Các sản phẩm sau khi được đăng ký bảo hộ và cấp quyền sử dụng đã tăng giá trị từ 10% đến 20%, có những sản phẩm tăng giá trị cao như: Bánh chưng gù Ngọc Đường từ 5 đến 7 nghìn lên 15 đến 20 nghìn đồng/chiếc, đã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân.

Những nỗ lực cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của ngành KH&CN đã và đang góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT – XH của nhiệm kỳ 2020 – 2025, đưa Hà Giang ngày càng đổi mới, vươn lên.

Bài, ảnh: HUY BA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202501/no-luc-cu-the-hoa-nghi-quyet-dai-hoi-xvii-cua-dang-bo-tinh-ve-linh-vuc-khcn-0e90e6f/