Nỗ lực của chủ nhà Ai Cập hướng tới COP27

Cơ hội đăng cai COP27 đã khuyến khích Ai Cập thực hiện các bước tiến trong lĩnh vực khí hậu và nhân quyền, ngay cả khi họ cần phải làm nhiều hơn nữa để chứng tỏ các nhà chức trách đang nghiêm túc trong việc cải cách chính trị và môi trường.

Các nhà tổ chức đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện công tác chuẩn bị cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2022, hay còn gọi là COP27, được triệu tập tại khu nghỉ mát Sharm el Sheikh ở Biển Đỏ của Ai Cập từ ngày 6-18/11. Hơn 35.000 người đã đăng ký tham gia cuộc họp thường niên lớn nhất thế giới về hành động khí hậu.

Ai Cập với tư cách chủ nhà

Ban lãnh đạo của Ai Cập đang hướng tới các quốc gia giàu có, công nghiệp phát triển, vốn chịu trách nhiệm chính gây ra biến đổi khí hậu, để chi trả cho các thảm họa khí hậu được dự báo trước sẽ tàn phá các quốc gia đang phát triển. Việc đảm bảo nguồn tài chính cho các nỗ lực thích ứng với khí hậu của các nước đang phát triển sẽ cho phép Ai Cập tự định vị mình là nhà lãnh đạo của châu Phi về hành động khí hậu. Đây là một điểm cộng mà Cairo rất cần khi đất nước Bắc Phi đông dân này đang vật lộn với lạm phát cao, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và thiếu hụt dự trữ tiền tệ - điều mà một số nhà phân tích cảnh báo có thể châm ngòi cho một cuộc nổi dậy mới.

Khu nghỉ dưỡng Sharm el Sheikh, Ai Cập, được chọn là nơi tổ chức hội nghị COP27.

Khu nghỉ dưỡng Sharm el Sheikh, Ai Cập, được chọn là nơi tổ chức hội nghị COP27.

Tuy nhiên, COP27 đã làm dấy lên tranh cãi trong số các nhà vận động môi trường và các nhóm nhân quyền. Đầu tiên, Ai Cập đã có khởi đầu sai lầm khi chọn CocaCola để tài trợ cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Quyết định này đã khiến các nhà hoạt động và nhà bình luận phải chú ý, họ gọi đây là hành động “tiếp thị xanh” - một cách lừa dối để thuyết phục công chúng rằng các sản phẩm, mục tiêu và chính sách của tổ chức là thân thiện với môi trường.

Việc lựa chọn Ai Cập làm chủ nhà đã khiến nước này phải đối mặt với sự giám sát quốc tế mới, thu hút sự chú ý đến các chính sách môi trường của nước này mà một số nhà phê bình phàn nàn rằng “không phải là một hình mẫu”. Việc Ai Cập phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch dựa trên hydrocarbon tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi với các nhà hoạt động khí hậu, những người cáo buộc quốc gia này đang trì trệ trong việc cắt giảm khí thải carbon. Chính phủ Ai Cập cũng bị chỉ trích vì "hành vi phá hủy có hệ thống" các không gian xanh; đặc biệt là việc chặt cây ở một số công viên công cộng của Cairo để nhường chỗ cho các điểm đỗ xe và quán cà phê dưới danh nghĩa để phục vụ phát triển.

COP27 hứa hẹn giải quyết những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là cho các nước đang phát triển.

COP27 hứa hẹn giải quyết những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là cho các nước đang phát triển.

Cần nhiều nỗ lực

Những người chỉ trích cũng cáo buộc chính phủ Ai Cập thiếu minh bạch và luôn giấu giếm người dân về những hậu quả không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu. Các nhà hoạt động môi trường nằm trong số những đối tượng bị nhắm tới trong cuộc trấn áp an ninh liên tục chống lại bất đồng chính kiến kể từ năm 2014. Ahmed Amasha, một nhà bảo vệ quyền môi trường, đã bị bắt vào năm 2017 và được cho là bị hãm hiếp và chích điện khi ở trong tù. Anh ta được thả vào năm 2019 và bị bắt giữ lại vào năm sau và tiếp tục sống mòn mỏi sau song sắt.

Trong khi đó, các tổ chức xã hội dân sự độc lập phàn nàn rằng họ đã bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh COP27, do những gì họ mô tả là quy trình đăng ký “có chọn lọc” để đảm bảo rằng chỉ các tổ chức phi chính phủ ủng hộ chính phủ mới có thể nộp đơn. Động thái này nhằm kiềm chế các cuộc biểu tình, bao gồm cả các cuộc biểu tình ôn hòa, theo truyền thống được tổ chức tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây. Các nhà chức trách nói rằng họ sẽ chỉ cho phép các cuộc biểu tình đã đăng ký trước diễn ra và sẽ bị giới hạn trong một khu vực biểu tình được chỉ định.

Trên thực tế, cuộc trấn áp an ninh đã được nới lỏng đáng kể trong những tháng gần đây, với hàng trăm tù nhân chính trị được thả trước COP27. Mặc dù các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng động thái này chỉ đơn thuần là để tô vẽ hình ảnh và số lượng những người được thả chỉ là “muối bỏ bể”, nhưng đó vẫn là một bước đi đúng hướng đáng hoan nghênh.

Ai Cập cũng xây dựng các nhà máy khử muối và cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt, đồng thời tăng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đây cũng là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông và Bắc Phi phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án xanh.

Cairo cần duy trì đà phát triển và cho thấy rằng họ thực sự cam kết tiếp tục những tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Ai Cập cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các bước ổn định và cụ thể để giảm lượng khí thải và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; do đó, thực hiện các cam kết được nêu trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) theo COP21. Hơn nữa, Cairo cần trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ chính trị, nhiều người trong số họ bị bỏ tù chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Bằng cách đó, họ có thể mong đợi sự hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế và sự thịnh vượng và ổn định cho tất cả người dân Ai Cập.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/no-luc-cua-chu-nha-ai-cap-huong-toi-cop27-i672199/