Nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hạn chế tình trạng mua gom, bán kiếm lời

Trước tình trạng người dân xếp hàng trước các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chờ đến giờ mở cửa để vào mua hàng dự trữ; một số người mua hàng mang ra ngoài bán hưởng chênh lệch..., đại diện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: 'Trong mọi cấp độ dịch, thành phố vẫn bảo đảm cung ứng đủ hàng cho người dân. Bà con lưu ý không nên xếp hàng quá đông, bảo đảm yêu cầu phòng dịch Covid-19'.

Người dân xếp hàng dài từ 5h30 sáng nay 14-7 trước cửa siêu thị Co.op mart Nguyễn Kiệm.

Tái diễn tình trạng mua dự trữ thực phẩm

Siêu thị Co.op mart Nguyễn Kiệm tại phường 9, quận Phú Nhuận lúc 5h30 sáng 14-7, hàng dài người xếp hàng chờ đến 9h, khi siêu thị mở cửa, để vào mua hàng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại siêu thị Lotte Mart quận 7 hay Vinmart ở quận 2.

Đứng chờ đến lượt vào mua hàng tại cửa hàng Co.op Food trong khu dân cư Hoàng Anh Thanh Bình, đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, lúc 9h, anh Phạm Minh Hiếu cho biết: “Ngày thường cũng xếp hàng, nhưng chỉ khoảng 5 người. Riêng hôm nay, có đến hơn 30 người chờ trước cửa”.

Hệ thống bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa cho người dân.

Nói về vấn đề này, đại diện Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) lí giải: "Một phần là do tâm lý một bộ phận người dân lo lắng thái quá trước tình hình dịch bệnh, phần nữa là mấy ngày qua, xuất hiện tình trạng một số người vào siêu thị mua gom hàng thực phẩm, nhất là rau xanh và trứng gia cầm, mang ra ngoài bán chênh lệch, do một số chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động...”.

Thông tin về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thành phố chỉ còn 59/234 chợ truyền thống còn hoạt động; đang có 6 siêu thị tạm đóng cửa. Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung, nhưng ngành Công Thương vẫn phối hợp với các chuỗi bán lẻ lớn duy trì bán các mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn thị trường, dẫn đến việc nhiều mặt hàng trong siêu thị rẻ hơn ngoài chợ.

Hạn chế bán trứng gia cầm, ngăn chặn tình trạng mua gom mang ra ngoài bán kiếm lời.

Bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thị trường

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương, mấy ngày qua, lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường thông qua các chuỗi bán lẻ lớn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn thành phố đã tăng 1,5 đến 5 lần so với trước đó. Lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm về thành phố mỗi ngày tương đương 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với trước thời điểm giãn cách xã hội và còn tiếp tục tăng, chủ yếu là hàng tươi sống.

“Trong mọi cấp độ dịch, thành phố vẫn bảo đảm cung ứng đủ hàng cho người dân. Bà con lưu ý không nên xếp hàng quá đông, bảo đảm yêu cầu phòng dịch Covid-19”, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định.

Để hạn chế tình trạng mua gom hàng trong siêu thị mang ra ngoài bán kiếm lời, một số nhà bán lẻ lớn như Saigon Co.op và Lotte thực hiện nghiêm việc hạn chế số lượng trứng gia cầm, chỉ bán tối đa 24 quả/người/lần mua. Hệ thống siêu thị Aeon tăng cường phối hợp với địa phương phát triển điểm bán hàng lưu động. Các cửa hàng tiện lợi trong các khu dân cư phát phiếu mua hàng theo ngày cho các hộ dân mua đủ ăn theo nhu cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều điểm bán lẻ tại khu dân cư, phục vụ người dân.

Ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức tổ chức bãi tập kết, trung chuyển lương thực, thực phẩm từ các nơi về cửa ngõ phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh tại 2 bãi container gần chợ đầu mối Thủ Đức đang tạm đóng cửa. Từ đó, hàng hóa được chia theo đơn hàng, đưa về các điểm bán lẻ trong thành phố.

Để bảo đảm an toàn phòng dịch, cơ quan chức năng không cho phép hoạt động mua bán trực tiếp diễn ra tại đây. Tất cả giao dịch triển khai qua điện thoại hoặc các phương thức liên lạc từ xa khác. Những người có liên quan đến hoạt động tại điểm tập kết như lái xe, người bốc xếp… đều được xét nghiệm và phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, được kiểm soát chặt chẽ trước khi ra/vào.

Ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách.

Để tăng cường kênh phân phối, bán lẻ, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã vận động nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp. Điển hình là Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) hỗ trợ phương tiện và triển khai phân phối hàng hóa tại 34 điểm bán lẻ. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Việt Nam Post) đã hỗ trợ bằng cách chuyển 200 bưu cục ở địa phương trở thành điểm bán hàng lưu động. Ngoài ra, Sở phối hợp với các doanh nghiệp logistics tổ chức bán hàng lưu động.

Phó Giám đốc Sở Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong ngày hôm nay, đã tổ chức 24 điểm bán với 30 lượt xe, chủ yếu cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn gặp khó khăn về hệ thống phân phối. Tuy nhiên, còn một vấn đề cần giải quyết là tăng năng lực giao hàng online.

“Hai ngày gần đây, nhu cầu mua hàng online rất cao, nhưng năng lực giao hàng của một số siêu thị còn hạn chế, dẫn đến tình trạng hủy đơn hàng. Chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với các bên để sớm khắc phục tình trạng này, phục vụ người dân tốt hơn. Ngoài ra, thành phố sẽ thí điểm mở cửa hạn chế tại một số chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn phòng dịch để đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1005659/no-luc-cung-ung-du-hang-hoa-cho-nguoi-dan-han-che-tinh-trang-mua-gom-ban-kiem-loi