Nỗ lực cung ứng hàng hóa cho người dân vùng lũ
Trước diễn biến mưa lũ ngày càng phức tạp tại các tỉnh miền Trung, công tác dự trữ, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân được đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, công tác dự trữ hàng hóa tại một số tỉnh miền Trung đã được xây dựng kỹ lưỡng về phương án mặt hàng, địa điểm, đối tượng... nhằm bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.
Phóng viên (PV): Thưa ông, công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2020 được ngành công thương triển khai như thế nào?
Ông Trần Duy Đông: Bộ Công Thương luôn coi trọng công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa nhằm bảo đảm không thiếu hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống. Năm 2020, để chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão, ngày 24-4, Bộ Công Thương có công văn hướng dẫn sở công thương các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai. Trong đó tập trung vào nắm bắt tình hình cung-cầu, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, nước uống, các mặt hàng có nhu cầu cao trong mùa mưa lũ và chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt. Từ đó xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai. Sở công thương chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trên địa bàn tham gia dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để cung cấp kịp thời cho nhân dân trên địa bàn khi có thiên tai xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ".
Đại diện Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh trao lương thực, nước uống hỗ trợ bà con huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: HOA LÊ
PV: Hiện nay, 4 tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt mưa lũ. Công tác dự trữ hàng hóa đã được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Công tác dự trữ hàng hóa tại một số tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng của mưa lũ đã được xây dựng kỹ lưỡng về phương án mặt hàng, địa điểm, đối tượng... bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tại tỉnh Quảng Bình, dự trữ mì ăn liền là 63.700 thùng, lương khô là 12.600 thùng, gạo là 1.175 tấn, nước uống đóng chai là 17.500 thùng, các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác là 1.700 tấn, tôn lợp 1.000 tấm, xăng, dầu, dây thép, đinh vít ... Tổng hàng hóa quy đổi ra tiền là 6,7 tỷ đồng. Tại tỉnh Quảng Trị, dự trữ mì ăn liền là 50.000 thùng, gạo 300 tấn, nước uống đóng chai 30.000 thùng, muối 20 tấn, đường 20 tấn, nước mắm 15.000 lít, đồ hộp các loại 100.000 hộp, dầu thực vật 15.000 lít... Tổng hàng hóa quy đổi ra tiền là 13,895 tỷ đồng. Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự trữ mì ăn liền là 50.000 thùng, gạo là 100 tấn, nước uống đóng chai 35.000 thùng, dầu ăn, tôn lợp... Tại tỉnh Quảng Nam, dự trữ mì ăn liền là 45.130 thùng, lương khô là 2.320 thùng, gạo là 2.221 tấn, nước uống đóng chai là 119.984 thùng... Tổng hàng hóa quy đổi ra tiền là 6,496 tỷ đồng.
PV: Những ngày qua, mưa lũ đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập. Ông có thể cho biết việc bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân vùng lũ được thực hiện ra sao?
Ông Trần Duy Đông: Bộ Công Thương thường xuyên liên hệ với các địa phương, cập nhật thông tin, diễn biến của mưa lũ để nắm sát tình hình, kịp thời có chỉ đạo đối với hoạt động lưu thông, cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Đặc biệt, chỉ đạo sở công thương các tỉnh miền Trung triển khai thực hiện theo kế hoạch và phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt chú trọng công tác dự trữ tại chỗ. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp phân phối đã được phân công dự trữ hàng hóa tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá; thực hiện xuất kho, cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân; chỉ đạo ban quản lý các chợ khắc phục nhanh, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh nhanh chóng hoạt động trở lại; phối hợp gửi lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm soát thị trường, tránh trường hợp tăng giá bất thường, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
PV: Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai những giải pháp gì để bảo đảm tốt nhất công tác cung ứng hàng hóa cho vùng lũ, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ứng phó, hỗ trợ tốt nhất giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai nhiệm vụ được giao về công tác cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường. Trong đó tập trung một số công việc như đánh giá tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu; dự báo nhu cầu tại các khu vực, tỉnh sẽ tiếp tục chịu tác động của lũ lụt và biện pháp ứng phó khi lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng, nằm ngoài khả năng kiểm soát, sở công thương các tỉnh cần báo cáo về Bộ Công Thương để có phương án điều hàng ngay từ các tỉnh, doanh nghiệp phân phối lớn ở khu vực lân cận nhằm kịp thời cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!