Nỗ lực cứu vãn thị trường ''vàng đen''

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác vừa nhất trí gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong tháng 4 tới, ngoại trừ miễn giảm một phần nhỏ cho Nga và Kazakhstan. Chiến lược cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC được coi là nỗ lực nhằm cứu vãn thị trường 'vàng đen' trước tác động của đại dịch Covid-19.

OPEC tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của OPEC, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman thông báo, phần lớn các nước thành viên OPEC sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng trong tháng 4, trừ Nga được phép tăng 130.000 thùng/ngày và Kazakhstan được tăng 20.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa. Quyết định mới của OPEC đồng nghĩa liên minh dầu mỏ này sẽ cắt giảm tổng cộng khoảng 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4-2021, trong đó riêng Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày và sẽ xem xét chấm dứt cam kết này vào thời điểm phù hợp.

Tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2020 đã giảm mạnh do dịch Covid-19. Do đó, mục tiêu cắt giảm sản lượng của OPEC là nhằm đạt được sự cân bằng, cho dù là mong manh, giữa việc đẩy giá dầu lên đủ để củng cố ngân sách của các quốc gia thành viên, nhưng không quá nhiều khiến sản lượng của đối thủ Mỹ tăng vọt. Nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC đã đưa giá dầu thế giới phục hồi mạnh sau khi xuống dưới mức 0 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4 năm ngoái.

Kể từ đầu tháng 11-2020, niềm tin đã trở lại trên thị trường dầu mỏ khi giá “vàng đen” dần phục hồi và hiện được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng, tương đương mức giá của giai đoạn đầu năm 2020. Đến đầu năm nay, giá dầu đã tăng hơn 25% do OPEC và các đồng minh tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng trong khi nhu cầu năng lượng toàn cầu bắt đầu hồi phục.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo đánh giá triển vọng kinh tế và thị trường dầu mỏ đang tiếp tục cải thiện, có thể là động lực để nhóm này tăng sản lượng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, lên mức 96,4 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn mức nhu cầu 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019. IEA nhận định, nhu cầu sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay khi có thêm nhiều người dân trên thế giới được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Báo cáo của các chuyên gia từ OPEC bày tỏ lạc quan về triển vọng của thị trường dầu mỏ, tuy nhiên cũng lo ngại trước các rủi ro khi biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 chưa hoàn toàn được kiểm soát. Báo cáo cho rằng đà tăng giá gần đây của dầu có thể do tác động các nhà đầu cơ trên thị trường dầu tương lai hơn là những cải thiện cơ bản ở thị trường thực tế. Bên cạnh đó, việc Saudi Arabia tiếp tục tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4 để bù đắp những khoản tăng nhỏ được cấp cho Nga và Kazakhstan như một phần của thỏa thuận mà các thành viên OPEC đạt được cũng phản ánh dấu hiệu nhu cầu dầu mỏ vẫn còn thấp khi mà giãn cách xã hội chưa chấm dứt. Ngoài ra, quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng sẽ giúp củng cố ngân sách của các nước trong nhóm OPEC vốn bị tổn thương nặng nề vào năm ngoái do giá dầu giảm sâu, nhưng đồng thời cũng gây ra một số hệ lụy. Giá dầu trên mức 60 USD/thùng sẽ giúp hồi sinh các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, “đối thủ không đội trời chung” của OPEC.

Với quyết định sản lượng đưa ra sau cuộc họp cấp bộ trưởng, OPEC thể hiện rõ quan điểm thận trọng đối với sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu. Trước tác động chưa rõ của biến chủng vi rút SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi thì sự vận động của thị trường dầu mỏ vẫn sẽ tồn tại những diễn biến đầy bất ngờ. Do đó, lộ trình đúng đắn hiện nay của OPEC là cần chuẩn bị các kịch bản, sẵn sàng đối phó với những hệ quả không mong muốn.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/992869/no-luc-cuu-van-thi-truong-vang-den