Nỗ lực đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn trong bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó toàn diện nhằm đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Ngành đang nỗ lực khôi phục thông tin liên lạc, đảm bảo mạng lưới viễn thông trên toàn bộ khu vực bị bão ảnh hưởng hoạt động ổn định và an toàn trong ngày 8/9.
Theo báo cáo nhanh của các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, hiện bão số 3 đã gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng viễn thông, bao gồm: 7 tuyến cáp quang liên tỉnh và 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh bị đứt. Tuy nhiên, thông tin liên lạc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhờ các phương án dự phòng.
27 cột viễn thông bị gãy đổ, 6.285 vị trí mất liên lạc di động do mất điện. Các doanh nghiệp viễn thông đã nhanh chóng khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện và chuyển vùng dịch vụ giữa các mạng.
Tại Hải Phòng và Quảng Ninh, nhiều thuê bao cố định đã bị gián đoạn dịch vụ trong thời gian bão, nhưng tình hình đang được khắc phục. Dù bão gây ra nhiều thiệt hại về hạ tầng nhưng ngành viễn thông may mắn không có thiệt hại về người. Các doanh nghiệp đã phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, điều phối lực lượng và thiết bị từ các tỉnh lân cận để khắc phục sự cố nhanh chóng.
Bộ TT&TT cũng đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khôi phục điện lưới tại các khu vực bị cắt điện và gặp sự cố cung cấp điện, đặc biệt là tại các trạm BTS để nhanh chóng khôi phục thông tin liên lạc. UBND các cấp chỉ đạo ưu tiên lực lượng viễn thông tiếp cận địa bàn bị ảnh hưởng nhằm khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.
Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều phối lực lượng, phương tiện, thiết bị từ các tỉnh lân cận hỗ trợ cho các tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của bão. Mục tiêu trong ngày 8/9 sẽ nỗ lực khôi phục thông tin liên lạc, đảm bảo mạng lưới viễn thông trên toàn bộ khu vực bị bão ảnh hưởng hoạt động ổn định và an toàn...
Trước đó, để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Công điện số 05/CĐ-BTTTT, yêu cầu các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp viễn thông tập trung ứng phó bão ở mức độ cao nhất. Đồng thời, hơn 32 triệu thuê bao tại các vùng bị ảnh hưởng đã nhận được tin nhắn cảnh báo và hướng dẫn cụ thể nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cơn bão.
Bộ TT&TT cũng đã huy động gần 7.000 cán bộ trực tiếp tham gia ứng cứu thông tin và xử lý sự cố tại các trạm BTS. Lực lượng này được bố trí trực 24/24h để đảm bảo liên lạc thông suốt trong suốt thời gian bão diễn ra. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông cũng nhanh chóng tiến hành củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông, đảm bảo an toàn trước bão. Cụ thể, 5.030 trạm cáp, 360 nhà trạm, 2.408 cột và 173 tuyến cáp đã được gia cố. Để phòng trường hợp mất điện, 284 máy phát điện cùng với nhiên liệu dự trữ đã được bổ sung cho các trạm BTS nhằm duy trì liên lạc liên tục.
Trong quá trình bão số 3 đổ bộ, các nhà mạng đã thực hiện chuyển vùng dịch vụ (roaming) tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Bắc Ninh để đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Tại các khu vực mất liên lạc cục bộ, các trạm BTS lân cận đã tăng công suất phát sóng, đồng thời các máy phát điện dự phòng được triển khai để đảm bảo các trạm BTS hoạt động ổn định.
Trong công tác ứng phó với bão, mạng thông tin chuyên dùng trong phòng chống thiên tai do Cục Bưu điện Trung ương và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam luôn sẵn sàng phục vụ đoàn công tác phòng chống lụt bão và trực tiếp phục vụ hai phiên hội nghị truyền hình do Phó Thủ tướng chủ trì. Mạng Điện báo Hệ đặc biệt đã chuyển hàng trăm bức điện tới các Bộ ngành, 112 lượt địa phương phục vụ chỉ đạo phòng, chống bão. Hệ thống Đài thông tin duyên hải do Công ty Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam quản lý vận hành liên tục, không gián đoạn, đảm bảo trực canh cấp cứu và truyền phát 1341 lượt tin cảnh báo bão số 3 tới tất cả các phương tiện trên biển.
Riêng mạng viễn thông công cộng, các doanh nghiệp đã triển khai roaming tại các tỉnh bị ảnh hưởng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh nhằm đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Các khu vực mất liên lạc cục bộ được các doanh nghiệp tăng cường công suất phát sóng của các trạm lân cận, đồng thời tổ chức chạy máy phát điện tại các trạm bị mất điện lưới để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định.