Nỗ lực đạt đột phá trên các mặt trận và ý đồ thực sự cuộc phản công của Ukraine
Giới quan sát cho rằng mục đích cuộc phản công của Ukraine không phải là đánh bại Nga mà là thuyết phục phương Tây rằng việc duy trì ủng hộ cho Kiev là xứng đáng.
Cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra một vài tháng nhưng hy vọng của nước này nhằm đạt được đột phá nhanh chóng và mang tính quyết định đang phai nhạt dần.
Nỗ lực đạt đột phá trên các mặt trận
Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát, đặc biệt là ở phía Nam vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, Kiev chỉ giành được thành quả hạn chế và phải trả một cái giá đắt. Khi các lực lượng của Ukraine tấn công thăm dò điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga thì Moscow cũng tiếp tục tìm cách đạt được thành quả và tiến công theo hướng thành phố Kupiansk.
Giới quan sát cho rằng tình hình xung đột năm nay hoàn toàn khác khi quân đội hai bên bị cuốn vào những cuộc giao tranh tiến triển chậm và không có dấu hiệu kết thúc. Giao tranh hiện nay tập trung ở phía Đông và phía Nam với việc các lực lượng của Kiev đang cố gắng xuyên thủng phòng tuyến kiên cố được chuẩn bị trong nhiều tháng của Nga.
Tại mặt trận Zaporizhzhia ở phía Nam, những thành quả khiêm tốn của Ukraine ở khu vực nông thôn đã bị cản trở bởi hệ thống phòng thủ của Nga. Các lực lượng của Moscow đã củng cố phòng tuyến bằng các bãi mìn, bẫy và chiến hào chống tăng. Khu vực này là mục tiêu chính của Ukraine bởi việc tiến sâu vào đây cùng với 2 mũi tiến công còn lại sẽ tạo cơ hội để cắt đứt hành lang trên đất liền của Nga nối Bán đảo Crimea với vùng Donetsk ở phía Đông. Vào cuối tháng 8, quân đội Ukraine đã giành được làng Robotyne - một bước tiến đưa họ đến gần hơn việc có thể sử dụng pháo binh để tấn công vào vùng trung tâm Tokmak chiến lược. Dù vậy, các lực lượng của Kiev vẫn còn một chặng đường dài để đến được đây.
Ukraine đã giành lại một số khu vực gần thị trấn Velyka Novosilka ở tiền tuyến. Vào tháng 6, trong tuần thứ hai của cuộc phản công, Kiev đã giành được một số ngôi làng gồm Neskuchne, Blahodatne và Makarivka. Gần đây hơn, các lực lượng này đã kiểm soát thêm một số ngôi làng nữa là Staromaiorske và Urozhaine nhưng tiến triển vẫn diễn ra chậm. Quân đội Nga đã tiến hành một số cuộc phản công. Velyka Novosilka là mục tiêu của các cuộc pháo kích trong 1 năm rưỡi qua. Để đối phó với các cuộc không kích của Moscow, Kiev đã kêu gọi phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 và các phương tiện hỗ trợ trên không.
Thị trấn Orikhiv cũng nằm trên lằn ranh lửa đạn. Trong khi vẫn thuộc sự kiểm soát của Ukraine thì thị trấn này liên tục đối mặt với các cuộc không kích. Nằm cách Zaporizhzhia 60km về phía Đông Nam, Orikhiv mắc kẹt giữa một bên là các lực lượng của Kiev đang tiến công về phía Nam và một bên là quân đội Nga đang tăng cường củng cố các vị trí.
Ukraine đang cố gắng giữ Kupiansk ở khu vực Kharkiv. Thành phố này từng do Nga kiểm soát vào những ngày đầu xung đột nhưng sau đó Ukraine giành lại vào tháng 9 năm ngoái trong cuộc tấn công chớp nhoáng. Hiện nay, Nga đang cố gắng giành lại nó lần thứ hai. Vào tháng 8, Ukraine đã ra lệnh sơ tán thành phố và khu vực xung quanh, đánh dấu đợt sơ tán lớn nhất trong nhiều tháng và là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Với quân đội Ukraine, Kupiansk có ý nghĩa chiến lược trong việc ngăn cản Nga giành được quyền tiếp cận sông Oskil gần đó - nơi dễ vượt qua hơn nhiều so với tiến xa hơn về phía Nam.
Hiện nay, thành phố Bakhmut ở phía Đông vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga sau cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài suốt 9 tháng trong khi Ukraine tiếp tục nắm giữ một số khu vực ở ngoại ô phía Tây Nam của thành phố.
Ukraine cho biết giao tranh ở đây vẫn chưa kết thúc. Theo phía Kiev, bằng cách đó, họ đang buộc Nga phải dồn nhiều quân hơn vào khu vực này, đồng thời kéo lực lượng của Moscow khỏi các mặt trận khác.
Thị trấn Avdiivka ở khu vực Donetsk nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine cũng chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội thời gian qua. Phần lớn thành phố này đã bị phá hủy và hầu hết dân thường đã sơ tán.
Mục đích phản công thực sự của Ukraine
Thời gian của Ukraine đang cạn dần khi mùa thu sẽ khiến thời tiết tồi tệ hơn và những điều kiện giao tranh ngày càng thách thức. Vì những lý do chính trị và chiến lược mà sức ép đặt lên Ukraine để đạt được đột phá không ngừng gia tăng.
Mặc dù không phải là một thành viên của NATO nhưng Ukraine được cung cấp mức độ hỗ trợ quân sự chưa từng có trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, khi xung đột kéo dài, liệu mục tiêu chiến lược của phương Tây và Ukraine có còn thống nhất? Nếu không, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Bất chấp những tuyên bố chính trị mạnh mẽ, hầu hết các quốc gia đều bị chi phối bởi các lợi ích của mình.
Ngày 8/9, Tổng thống Zelensky cảnh báo các đợt vận chuyển vũ khí chậm hơn của phương Tây đang đe dọa cuộc phản công của nước này, đồng thời kêu gọi các đối tác hỗ trợ nhiều vũ khí tầm xa mạnh mẽ hơn để đẩy lùi các lực lượng của Nga
"Tất cả quá trình đang trở nên phức tạp hơn và chậm hơn, từ trừng phạt tới việc cung cấp vũ khí. Cuộc xung đột càng kéo dài, người dân càng phải chịu đựng nhiều", ông Zelensky nói.
Trong khi đó Nga đang có một số lợi thế. Quân đội Nga lớn hơn đáng kể so với Ukraine và mặc dù bị phương Tây cô lập cũng như trừng phạt nhưng Moscow vẫn đủ sức duy trì nền kinh tế và sức chiến đấu trong xung đột tiêu hao.
Giới quan sát cho rằng việc đẩy lùi Nga khỏi lãnh thổ trong một chiến dịch mang tính quyết định không thể xảy ra giữa bối cảnh Moscow đã củng cố các vị trí và thích nghi với tình hình chiến trường. Thay vào đó, cuộc phản công của Ukraine dường như nhằm gửi đi tín hiệu tới các nước phương Tây rằng sự hỗ trợ quân sự và tài chính của họ là không vô ích.