Nỗ lực đấu tranh với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại
Là lực lượng chủ công trên mặt trận đấu tranh với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại, cùng với các lực lượng chức năng khác, Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.
Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm cuối năm, khi thị trường hàng hóa sôi động hơn các khoảng thời gian khác trong năm thì các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại lại gia tăng một cách đột biến. Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng nhập lậu.
Điển hình như vào ngày 20/11/2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế kiểm tra và phát hiện trong xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 72C-113.61 kéo rơ moóc 72C-016.08 do lái xe Nguyễn Văn Bản (sinh năm 1982), trú tại xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định điều khiển chở một số lượng lớn hàng hóa nhập lậu và hàng cấm gồm: 8 hộp pháo; 38 dao, kiếm các loại; hơn 1.400 thuốc lá điện tử các loại; 60 ghế xếp cùng các loại mỹ phẩm, áo quần, linh kiện điện thoại…Tất cả hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đấu tranh với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh đã tập trung xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ thương hiệu, uy tín của nhà sản xuất và quyền lợi của người tiêu dùng. Theo thống kê trong năm 2021, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã bắt giữ 54 vụ với 50 đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại, thu giữ hàng hóa trị giá khoảng 4,6 tỉ đồng; xử lý hình sự 2 vụ với 2 đối tượng; xử lý hành chính 42 vụ với 42 đối tượng, xử phạt hơn 1 tỉ đồng.
Bên cạnh những người tiêu dùng thông thái tin dùng các mặt hàng uy tín, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng thì vẫn có không ít người do điều kiện kinh tế nên thường mua các mặt hàng giá rẻ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nhập lậu xâm nhập vào thị trường. Bất chấp việc vi phạm pháp luật, vì lợi nhuận trước mắt, các đối tượng vẫn cố tình thực hiện các hoạt động phạm pháp với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Thượng tá Hồ Sỹ Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết: Công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại tại Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn có đường biên giới giáp với nước bạn Lào, có nhiều đường tiểu ngạch, bởi vậy các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình để đưa hàng nhập lậu qua biên giới. Một số đối tượng buôn lậu khi bị phát hiện đã có hành vi cản trở, chống đối lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của COVID-19 nên công tác nắm tình hình cũng như các hoạt động phục vụ công tác điều tra cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ công tác nắm tình hình trên các tuyến, địa bàn trọng điểm như: Quốc lộ 9, Quốc lộ 1, địa bàn thành phố Đông Hà và các vùng giáp ranh; các tuyến đường sông và đường mòn dọc Quốc lộ 9 đã giúp lực lượng Công an xác định được địa điểm mà các đối tượng thường xuyên tập kết hàng nhập lậu dọc sông Sê Pôn cũng như nắm chắc quy luật hoạt động, di biến động của các đối tượng buôn lậu…, từ đó xây dựng các biện pháp phù hợp nhằm đấu tranh ngăn chặn với từng hệ, loại đối tượng buôn lậu. Lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng phối hợp tích cực với các ngành có liên quan như: Hải quan tỉnh, Quản lý thị trường tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ Lào vào nội địa cũng như các vụ vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu trong nội địa.
Song song với công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nâng cao ý thức tố giác tội phạm, phối hợp tích cực cùng lực lượng công an trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại để đảm bảo quyền lợi cho chính người tiêu dùng.
Thượng tá Hồ Sỹ Hùng cho biết thêm: Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát kinh tế rất cần sự chung tay, góp sức của mọi tổ chức, cá nhân trong việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.