Nỗ lực đầu tư đồng bộ thiết bị dạy học lớp 5, lớp 9 và lớp 12
Nhiều trường học đã chủ động kế hoạch xin cấp và mua mới, đặc biệt là thiết bị phục vụ chương trình lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo CT GDPT 2018.
Cơ sở vật chất dần hoàn thiện
Nhằm đảm bảo học sinh cuối cấp được sử dụng đầy đủ trang thiết bị theo Chương trình GDPT 2018, nhiều trường học đã nhanh chóng rà soát cơ sở vật chất lớp học, thiết bị hỏng hóc, còn thiếu... để trang bị và lên danh sách gửi sở GD&ĐT địa phương xin mua.
“Nhà trường đã lên phương án dự phòng: Xây dựng thiết bị dạy học số, triển khai thí nghiệm ảo trong trường hợp thiết bị không kịp cung ứng đầu năm học. Trường cũng lưu ý giáo viên chủ động nghiên cứu tài liệu, chương trình để có thể lên phương án, bài giảng hiệu quả, tránh bị động ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình học tập của học sinh, đặc biệt các em lớp 12 bước vào năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018”, cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn nói.
Cô Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) cho biết, nhà trường đã rà soát và gửi danh sách trang thiết bị còn thiếu lên phòng/Sở GD&ĐT Ninh Bình xin cấp mới.
“Năm học 2024 - 2025, áp dụng Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 5, vì vậy, chúng tôi xin mua một số thiết bị dạy học như: Hình học, Toán xác suất, công cụ dạy môn Khoa học - Công nghệ, đồ dùng phòng tiếng Anh... Dự kiến trong tháng 9, một số thiết bị cơ bản dành cho học sinh được cung cấp và tháng 10/2024, trường có đầy đủ thiết bị”, cô Hợi cho hay.
Hiện, phòng học dành cho học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B được trang bị 100% tivi kết nối Internet, thiết bị tối thiểu dành cho môn Toán, Tiếng Việt đầy đủ, đảm bảo đúng quy định của Chương trình GDPT 2018.
Trường Phổ thông DTNT huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) năm nay có 68 học sinh theo học lớp 9 được chia thành 3 lớp. Về cơ bản, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh.
Năm đầu tiên khối 9 theo học Chương trình GDPT 2018 nên nhà trường đặc biệt quan tâm. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Đức Hòa thông tin: “Theo danh mục thiết bị, tôi thấy hầu hết rất dễ mua, nhưng nếu mua một lần thì tốn nhiều kinh phí. Là trường nội trú, không có nguồn thu và thiếu kinh phí nên nhà trường phải mua thiết bị cấp thiết trước, những gì chưa cấp thiết sẽ mua dần. Tuy nhiên, ban giám hiệu và giáo viên luôn chú trọng đến thiết kế bài giảng làm sao trong quá trình dạy và học vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả”.
Tương tự, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn đã rà soát và tiến hành đăng ký thiết bị dạy học lớp 12 theo đúng quy định. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Vương Xuân Thuận, trường đã xin được hai phòng học trực tuyến; danh sách thiết bị cần mua cho lớp 12 Chương trình GDPT 2018 cũng được nhà trường gửi về sở GD&ĐT.
“Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, chúng tôi chú trọng phát động và tổ chức cuộc thi thiết kế thiết bị dạy học số dành cho giáo viên và học sinh. Theo đó, thầy và trò nhà trường có thêm nguồn học liệu số để phục vụ dạy, học cũng như nghiên cứu khoa học”, cô Thuận nói.
Tháo gỡ khó khăn
Để không bị động khi thiết bị chưa kịp về vào đầu năm học mới, nhiều trường học đã lên phương án dự phòng nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy. Ngoài tận dụng thiết bị từ chương trình cũ, các trường triển khai hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị thí nghiệm ảo vào dạy học.
Thầy Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, hiện nay, chương trình mới yêu cầu phải có đầy đủ thiết bị thực hành mới có thể áp dụng phương pháp dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học. Do đó, các trường phải chủ động khi thiết bị chưa kịp cấp và Trường THPT Hương Khê cũng vậy. Chưa kể, danh mục thiết bị khá nhiều không thể mua sắm cùng lúc.
Để đảm bảo chất lượng, Trường THPT Hương Khê bám sát hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD&ĐT; trong đó có lưu ý nếu trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng kịp thời, các cơ sở giáo dục có thể khai thác hệ thống ảo.
“Hiện tại, chúng tôi khai thác hệ thống này để xây dựng kho học liệu và áp dụng vào dạy học”, thầy Cương nói và cho biết thêm, trường thiếu số lượng lớn hóa chất dùng để thực hành môn Hóa học. Tuy nhiên, các thí nghiệm ảo chỉ giúp tạo ra sản phẩm mô phỏng, chưa giúp được học sinh làm kế hoạch hay sản phẩm thực tế như vậy phần nào đó sẽ hạn chế trong quá trình học. Do đó, nhà trường mong được cấp thiết bị sớm để phục vụ giảng dạy tốt hơn.
Để triển khai Chương trình GDPT 2018 cho những lớp cuối cấp, Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) đã lưu ý các trường lên danh sách thiết bị cần mua sắm gửi về phòng; chủ động lựa chọn sách giáo khoa, cử giáo viên tham gia tập huấn chương trình của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT.
Ông Thái Lương Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: “Do quá trình đấu thầu mua sắm thiết bị cần nhiều thủ tục dẫn đến mất thời gian. Vì vậy để kịp tiến độ và có thiết bị phục vụ năm học mới, chúng tôi đề nghị các trường chủ động lên danh sách những thiết bị cần mua sắm từ cuối năm học và gửi về phòng GD&ĐT, từ đó phòng trình sớm lên sở GD&ĐT. Quá trình làm đề xuất, chúng tôi cân đối thời gian để đầu năm học, những thiết bị cơ bản kịp về trường phục vụ dạy và học”.
Tại Lạng Sơn, ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc sở GD&ĐT cho biết: “Sở đã nhận được danh sách của các trường về mua sắm thiết bị dạy học cho năm học mới và đang tiến hành theo các bước quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng dẫn các trường tận dụng thêm kho học liệu số, thiết bị, thí nghiệm ảo hỗ trợ công tác giảng dạy, không để ảnh hưởng đến chất lượng”.
Thiếu thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 dành cho học sinh cuối cấp, có thể ảnh hưởng đến một phần chất lượng dạy học.
Chúng ta đang hướng đến “học đi đôi với hành”, nhưng trên thực tế, học sinh chỉ mới học lý thuyết, chưa có điều kiện thực hành nhiều nên quá trình hướng nghiệp hay phát triển sở trường của học sinh cũng sẽ hạn chế. - Thầy Hồ Đức Cương