Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp
Dự án 'Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân' là Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Vì một số lý do chủ quan và khách quan nên tiểu dự án đang có những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình triển khai, dẫn đến tiến độ thực hiện đạt thấp.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập hướng dẫn người dân chăm sóc cây keo
Dự án “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Những vướng mắc, khó khăn
Theo báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng, tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 đang ở mức thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu cải thiện đời sống cho người dân vùng khó khăn.
Tính đến nay, dự án mới thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên do UBND cấp xã trực tiếp quản lý 92.215 ha/127.284 ha (đạt 72% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025); hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình 36.221 ha/172.024 ha (đạt 21% kế hoạch); hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung 170,8/40.414 ha (đạt 0,4% kế hoạch); hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ 1.530 ha/9.715 ha (đạt 15,7% kế hoạch); hỗ trợ trồng rừng phòng hộ 15,4/840 ha (đạt 1,8% kế hoạch); trợ cấp gạo cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ là 0/3.920 tấn (đạt 0% kế hoạch).
Đến nay, toàn bộ Tiểu dự án 1 mới chỉ giải ngân được trên 3,6 tỷ đồng trong tổng số gần 176 tỷ đồng, tương đương đạt 2,05% kế hoạch vốn. Dự kiến thực hiện đến hết năm 2025 chỉ đạt khoảng 20 - 30% kế hoạch vốn.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm, kết quả các chỉ tiêu đạt thấp là do diện tích rừng đủ điều kiện để được hỗ trợ bảo vệ của các hộ dân manh mún, nhỏ lẻ, không thuận lợi cho thiết kế, lập hồ sơ dự án. Đối tượng được thụ hưởng dự án giảm dần qua các năm do các xã đang là vùng II, vùng III khi đạt chuẩn nông thôn mới thì trở thành xã vùng I, trong khi đó đối tượng thụ hưởng của dự án là người dân thuộc xã vùng II, vùng III. Ngoài ra mức hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên còn thấp so với thu hoạch từ rừng trồng nên một số hộ dân không muốn nhận hỗ trợ để bảo vệ rừng tự nhiên mà muốn cải tạo chuyển từ rừng tự nhiên sang thành rừng trồng để sớm có thu nhập cao hơn. Ở một số nơi có tình trạng tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân mà chưa được giải quyết dẫn đến không triển khai thực hiện được dự án tại các diện tích đó.
Bên cạnh đó, mức kinh phí chi trả lập hồ sơ thiết kế khoanh nuôi, bảo vệ rừng thấp (50.000 đồng/ha) nên việc thuê tư vấn thiết kế gặp khó khăn. Đối với hỗ trợ trồng rừng sản xuất, dù mức hỗ trợ theo quy định mới đã tăng lên 15 triệu đồng/ha (so với 5 - 10 triệu đồng/ha theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020) nhưng lại chỉ bao gồm chi phí cây giống và phân bón, không có chi phí nhân công như quy định cũ. Cùng với đó, theo Nghị định 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp quy định về cấp kinh phí cho bảo vệ rừng do UBND cấp xã quản lý, chỉ được cấp đối với xã vùng II, III là 180.000 đồng/ha, tuy nhiên khi khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân thì phải trả 600.000 đồng/ha. Hơn nữa với mức chi trả này vẫn là thấp nên nhiều hộ dân không mặn mà tham gia.
Chị H.T.V, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan cho biết: Khánh Khê là xã vùng 3, đời sống của chúng tôi còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào đồi rừng. Diện tích rừng của gia đình tôi được cơ quan chức năng đến khảo sát để hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng. Tuy nhiên mức hỗ trợ chỉ có 600.000 đồng/ha/năm, gia đình tôi có 2 ha thì được 1,2 triệu đồng thì quá thấp. Tôi đề nghị Nhà nước quan tâm nâng mức hỗ trợ lên cao hơn để chúng tôi có thêm kinh phí đầu tư cho công tác quản lý rừng hiệu quả hơn.
Cùng với những nguyên nhân kể trên thì còn có nguyên nhân chủ quan như việc giao chỉ tiêu kế hoạch và vốn chậm từ cấp huyện xuống cơ sở, có nơi mất đến 2 - 3 tháng sau khi UBND tỉnh có quyết định. Ở cấp cơ sở, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc, trình độ chuyên môn còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai, đặc biệt là trong việc lập hồ sơ xác minh, thiết kế. Sự phụ thuộc lớn vào các đơn vị tư vấn cũng khiến quy trình phê duyệt bị kéo dài, kết quả giải ngân thấp. Đơn cử năm 2024, chỉ có huyện Lộc Bình giải ngân được số tiền cao nhất với gần 3,4 tỷ đồng, còn lại hầu hết các huyện có số giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân.
Tập trung gỡ khó
Trước tình hình triển khai Tiểu dự án 1 còn nhiều khó khăn, vướng mắc và để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho đồng bào DTTS và thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đến hết năm 2025 đã đề ra, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang tập trung đưa ra các giải pháp để gỡ khó trong quá trình triển khai dự án.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể và mạnh mẽ đối với các huyện trong việc triển khai dự án, đồng thời yêu cầu UBND các huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề các nội dung liên quan đến tiểu dự án. Cuối năm 2024, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo (cơ quan thường trực của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ phân cấp cơ chế, chính sách thực hiện theo từng vùng, miền để đảm bảo việc áp dụng cơ chế chính sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, đặc biệt với khu vực miền núi như tỉnh Lạng Sơn; tăng định mức hỗ trợ các nội dung như: hỗ trợ khoán bảo về rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, trồng rừng cho đối tượng thụ hưởng. Trong bối cảnh Nghị định 58/2024/NĐ-CP mới có hiệu lực (từ 15/7/2024) nên UBND tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với Bộ NN&MT để sớm có hướng dẫn cụ thể, đồng thời khẩn trương ban hành các quy định, mức đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai dự án, cần có những giải pháp chuyển tiếp hợp lý để không làm gián đoạn các hoạt động đang triển khai…
Về phía các sở, ngành liên quan, trong đó chủ yếu là ngành NN&MT cũng đã và đang tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh. Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NN&MT cho biết thêm: Thời gian tới, sở sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện từ sớm của các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở. Đồng thời tích cực kết nối liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm và các hộ dân có rừng để phát triển các loại cây ngoài gỗ dưới tán rừng. Sở sẽ kịp thời triển khai chính sách của Nhà nước về tạo tín chỉ carbon rừng từ các diện tích rừng tự nhiên để tăng thu nhập ổn định và bền vững lâu dài cho các hộ dân được giao giữ rừng tự nhiên. Sở cũng đã đề nghị UBND các huyện tăng cường các biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và hiệu quả hơn, đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch; đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc để có cơ sở tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
UBND các huyện trong thời gian này cũng đã và đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính sách, pháp luật đến nhân dân, nhất là tuyên truyền cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN tích cực tham gia các hoạt động của dự án; đồng thời khẩn trương giao chỉ tiêu khoán bảo vệ rừng đến UBND cấp xã. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Từ năm 2022 đến 2024, mỗi năm huyện được giao từ 4 đến 9 tỷ đồng triển khai Tiểu dự án 1, tuy nhiên huyện chỉ giải ngân được gần 30% tổng nguồn vốn phân bổ. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, từ đầu năm 2025 đến nay, UBND huyện đã yêu cầu UBND cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc bảo vệ rừng và các quy định của pháp luật về kiểm soát cải tạo rừng tự nhiên sang rừng trồng; giao chỉ tiêu khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên… đến các xã. Ngay sau khi có nguồn vốn năm 2025 được cấp, UBND huyện sẽ thực hiện các bước giải ngân theo quy định.
Qua đây có thể thấy, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang tích cực quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3. Tuy nhiên để thực sự khơi thông những “điểm nghẽn”, thời gian tới cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn của tỉnh.