Nỗ lực di dời 117 cơ sở sản xuất trong nội đô gây ô nhiễm môi trường

Qua rà soát, hiện nay ở 12 quận thuộc thành phố Hà Nội có 117 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường cần di dời. Nhưng việc di dời này đang gặp nhiều vướng mắc, bởi nếu cho doanh nghiệp tự chuyển đổi thì dễ xảy ra vi phạm về quy hoạch, vì vậy, Hà Nội vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm giải quyết triệt để vấn đề này.

Đó là một trong số các nội dung nhận được sự quan tâm của đa số cử tri quận Thanh Xuân tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu thành phố Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 3) sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải giải đáp kiến nghị của cử tri quận Thanh Xuân. (Ảnh: NC)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải giải đáp kiến nghị của cử tri quận Thanh Xuân. (Ảnh: NC)

Trong đó, cử tri Phạm Xuân Thao (phường Kim Giang) cho biết, nhân dân đồng tình cao chủ trương kiện toàn, sáp nhập thôn, tổ dân phố mà Hà Nội đang triển khai. Bởi đây là một chủ trương đúng đắn, làm giảm thiểu đáng kể số tổ có quy mô nhỏ, hướng tới mô hình cộng đồng dân cư tự quản, giảm đi số lượng lớn hệ thống nhân sự cho bộ máy, tiết kiệm được chi phí.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thì một cán bộ phải kiêm nhiệm, phụ trách nhiệm vụ lớn hơn, việc làm này gây khó khăn trong quá trình tìm nhân sự. Do vậy, cử tri đề nghị Thành phố xem xét có giải pháp chỉ đạo, bố trí Tổ phó Tổ dân phố cho các tổ dân phố cũng như có chế độ đi kèm, để hỗ trợ công việc cho Tổ trưởng sau khi kiện toàn sắp xếp tổ dân phố.

Cử tri Nguyễn Mạnh Cường (phường Khương Đình) cho biết, hiện trên địa bàn phường có 3 dự án gồm dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Định Công qua Đầm Hồng đến đường sông Tô Lịch (nhưng đến nay mới làm xong đoạn Định Công đến Đầm Hồng); dự án đường Tôn Thất Tùng kéo dài (mới hoàn thành cắm mốc); dự án đường Vương Thừa Vũ kéo dài (hiện chưa triển khai) gây khó khăn cho đời sống người dân trong sinh hoạt hằng ngày.

Cử tri nhất trí rằng đây là những dự án cần thiết triển khai nhưng đề nghị các Sở, ngành Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhằm góp phần phát triển kinh tế -xã hội, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn phường, quận, bảo đảm an sinh xã hội.

Về việc cải tạo chung cư cũ, cử tri Phạm Thái Bình (phường Thanh Xuân Bắc) cho biết, việc cải tạo chung cư cũ hiện còn gặp nhiều khó khăn lớn như cơ chế, chính sách cho công tác lập quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân… Cử tri kiến nghị Thành phố có những giải pháp để sớm triển khai các dự án cải tạo, bảo đảm cuộc sông an toàn cho người dân.

Đại diện cử tri cũng đề nghị Thành phố quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường; có giải pháp trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy cho các khu dân cư ngõ nhỏ, hẹp; vấn đề nước sạch cho người dân…

Cử tri phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) nêu kiến nghị. (Ảnh: NC)

Cử tri phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) nêu kiến nghị. (Ảnh: NC)

Sau khi lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị xác đáng và chất lượng của các cử tri. Đây là những vấn đề mà các Sở, ngành, địa phương và Thành phố cần ghi nhận, kịp thời khắc phục.

Về quản lý chung cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, toàn Thành phố hiện có 2.598 chung cư với gần 900.000 người dân đang sinh sống. Nhằm huy động cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết các vấn đề liên quan, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Bí thư Thành ủy đề nghị cùng với cố gắng của các cấp, các ngành, cử tri và nhân dân trên địa bàn, nhất là cư dân sinh sống ở các chung cư tích cực tham gia vào công tác quản lý chung cư; ủng hộ chủ trương của thành phố về cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, nhất là các chung cư cũ nguy hiểm.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân. (Ảnh: NC)

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân. (Ảnh: NC)

Lưu ý tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp với khoảng 820 vụ cháy xảy ra trên địa bàn/năm, Bí thư Thành ủy cho biết, Thành phố đã và đang chỉ đạo quyết liệt để hạn chế. Tuy nhiên, Thành phố rất cần người dân tích cực hỗ trợ bằng cách bảo ban lẫn nhau thực hiện triệt để các biện pháp phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt trong mỗi gia đình cần tự xây dựng kế hoạch thoát hiểm và phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn từng thành viên thực hiện thuần thục.

Đáng chú ý, về 3 tuyến đường chậm tiến độ (đường Vành đai 2,5, đường Tôn Thất Tùng kéo dài và Vương Thừa Vũ kéo dài), Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, ban đầu các dự án này được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP), nhưng sau đó do vướng mắc về thủ tục, cơ chế của hình thức đầu tư này, nên Thành phố buộc phải dừng lại, chuyển hướng sang hình thức đầu tư khác. Trong bối cảnh nguồn ngân sách chỉ có khả năng đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, nên các dự án này bị chậm trễ.

Hiện nay, Thành phố đang khắc phục bằng cách xác định mức độ ưu tiên để đầu tư từ nguồn ngân sách, kết hợp với kêu gọi các nguồn đầu tư xã hội hóa.

Về việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi các quận nội thành, Bí thư Thành ủy cho biết, qua rà soát, hiện có 117 cơ sở sản xuất ở 12 quận không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường cần di dời. Nhưng đây là vấn đề rất khó khăn, vì nếu cho doanh nghiệp tự chuyển đổi thì dễ xảy ra vi phạm về quy hoạch; nếu không Thành phố phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp…

Hoàng My

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-luc-di-doi-117-co-so-san-xuat-trong-noi-do-gay-o-nhiem-moi-truong-100386.html