Nỗ lực điều chỉnh mức sinh thay thế phù hợp

Quảng Trị là một trong 33 tỉnh, thành phố nằm trong vùng mức sinh cao theo công bố của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025. Để điều chỉnh mức sinh thay thế phù hợp, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn của các cấp, ngành, địa phương trong thời gian tới.

 Phấn đấu đạt mức sinh thay thế để tập trung phát triển thể lực giống nòi - Ảnh: B.B

Phấn đấu đạt mức sinh thay thế để tập trung phát triển thể lực giống nòi - Ảnh: B.B

Theo số liệu điều tra dân số năm 2019 cho thấy, dân số toàn tỉnh Quảng Trị là 632.375 người. Tỉ suất sinh thô giảm từ 16‰ (năm 2016) xuống 14,9‰ (năm 2019), tổng tỉ suất sinh là 2,45 con, thuộc nhóm 33 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế và có nguy cơ tăng sinh trở lại. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên những năm trở lại đây tăng đều ở hầu hết các địa phương. Mức sinh giữa các địa phương trong tỉnh còn có sự chênh lệch cao.

Cụ thể, chỉ có thị xã Quảng Trị đã đạt mức sinh thay thế; các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ và thành phố Đông Hà có mức sinh thấp hơn mức sinh bình quân chung của tỉnh. Các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa có mức sinh trên 2,6 con, trong đó huyện Đakrông có mức sinh 3,40 con và Hướng Hóa 2,80 con. Ngoài ra, mức sinh cũng có sự chênh lệch giữa thành thị (2,27 con) và vùng nông thôn (2,53 con). Số lượng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên tăng so với những năm trước, tỉ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao.

Từ thực tế các địa phương có mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hạn chế điều kiện phát triển giáo dục, văn hóa, thể lực của giống nòi, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, nhiệm vụ đặt ra phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, địa phương. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình hành động số 110-CTr/TU, ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết 21 của BCH Trung ương Đảng, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách, kế hoạch hành động về dân số và phát triển giai đoạn 2021-2025 và tính đến năm 2030.

Theo đó, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ KHHGĐ. Giải pháp quan trọng nữa là đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, vận động về dân số, nhất là công tác truyền thông ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa để nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác dân số cho người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế-xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Khẩu hiệu vận động là “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Các hoạt động tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục.

Nâng cao hiệu quả của truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội. Sử dụng hợp lý các loại hình văn hóa, văn nghệ, giải trí. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản...

Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, nhất là các hoạt động truyền thông tại nhà, tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn bản.

Trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh của mỗi địa phương để xây dựng, ban hành kế hoạch điều chỉnh mức sinh giai đoạn 2021-2025, hướng đến mục tiêu đạt mức sinh thay thế; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Trương Hữu Thiện cho biết: “Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác dân số đặc biệt là mục tiêu điều chỉnh mức sinh thay thế phù hợp cần tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng quy mô gia đình 2 con nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội để tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2025. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ. Đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình hành động, các kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, chương trình truyền thông dân số và chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030”.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163514&title=no-luc-dieu-chinh-muc-sinh-thay-the-phu-hop