Nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP vào siêu thị, trung tâm thương mại

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), đến nay tỉnh Hà Nam đã có 65 sản phẩm của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, bao gồm 49 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, những năm gần đây, sự phát triển lớn mạnh của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm OCOP vào quảng bá, tiêu thụ.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay tỉnh Hà Nam đã có 65 sản phẩm của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, bao gồm 49 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, những năm gần đây, sự phát triển lớn mạnh của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm OCOP vào quảng bá, tiêu thụ.

Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh phát triển mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng. So với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, số sản phẩm OCOP của Hà Nam tuy không nhiều, song hầu hết các sản phẩm đều có chất lượng cao và mang tính đặc trưng vì được các cơ sở tự chế biến trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt với nguồn nguyên liệu bảo đảm. Do đó, có tiềm năng rất lớn trong liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm mua các sản phẩm OCOP của tỉnh ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Bà Phạm Thị Thụ, Phường Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý) cho biết: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ thương mại, tôi đã biết đến và mua được một số sản phẩm OCOP chất lượng của tỉnh, như: bánh đa nem làng Chều; mật ong rừng miền Bắc; phở, bún chùm ngây; ruốc cá trắm; bún, phở khô… Dù muốn sử dụng những sản phẩm này thường xuyên hoặc mua để làm quà biếu cho người thân, nhưng việc tìm mua sản phẩm là không dễ dàng vì ở chợ, siêu thị thường không có.

Qua khảo sát các gian bán hàng tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích quy mô lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy, tại đây bày bán khá nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, trong đó có nhiều mặt hàng là sản phẩm đặc trưng của các vùng miền trên cả nước, như: bánh nhãn (Nam Định), mì Chũ (Bắc Giang), kẹo dừa (Bến Tre), bánh đậu xanh (Hải Dương), bánh cốm (Hà Nội), yến sào (Khánh Hòa), chè xanh (Thái Nguyên)… Thế nhưng, điều đáng tiếc là tại các điểm bán, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam chưa có nhiều, chỉ lác đác một vài sản phẩm, như bánh đa nem làng Chều, sữa chua Mộc Bắc. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng khó tìm mua, mà ngay chính các chủ thể OCOP cũng cảm thấy băn khoăn.

Ông Lê Văn Phòng, Giám đốc Siêu thị Lan Chi (Lý Nhân) cho hay: Hiện gian hàng bày bán các sản phẩm có nguồn gốc trong nước mang tên “Điểm bán hàng Việt Nam” tại siêu thị có khá nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, Lan Chi mới chỉ có một số ít mặt hàng là sản phẩm OCOP của Hà Nam, như bánh đa nem làng Chều và kẹo sìu châu. Chúng tôi mong muốn siêu thị có thêm một kệ bày bán sản phẩm OCOP của tỉnh nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, nâng cao doanh thu từ việc đẩy mạnh sức tiêu thụ các sản phẩm có chất lượng của địa phương. Các chủ thể có sản phẩm OCOP cần phải chủ động, tích cực hơn trong việc tìm kiếm, kết nối với bộ phận nhập nguồn hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại để có cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Theo các chủ thể OCOP cũng như doanh nghiệp bán lẻ, để đưa các sản phẩm vào siêu thị đã khó, nhưng để người dân tin dùng hàng hóa của địa phương lại càng khó hơn, nhất là đối với những sản phẩm có hạn sử dụng ngắn. Việc nhà bán lẻ không tiêu thụ nhanh sẽ khiến cho sản phẩm bị hết hạn, “cận đát” dẫn đến phải đổi trả, làm ảnh hưởng đến tài chính của nhà cung cấp. Vì vậy, ngay cả khi đã vào được siêu thị nhưng không phải sản phẩm nào cũng dễ dàng tiêu thụ được nếu không có sự đầu tư đúng mức về công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm. Điều này theo đánh giá của các nhà bán lẻ thì so với các địa phương khác, các chủ thể OCOP của Hà Nam chưa thực sự chú trọng và làm tốt. Để đưa các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, các nhà cung cấp phải có chiến lược quảng bá sản phẩm cũng như tăng cường phối hợp với các siêu thị để đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng.

Hợp tác xã Bún phở khô Khánh Linh, xã Công Lý (Lý Nhân) nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để đưa vào bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Ảnh: Hân Hân

Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Bún phở khô Khánh Linh (xã Công Lý, Lý Nhân) cho hay: Sản phẩm bún, phở khô của chúng tôi được người tiêu dùng đánh giá rất cao, nhưng đến nay cũng chưa được đưa vào các siêu thị lớn trong tỉnh. Mới đây, Khánh Linh đã nghiên cứu, cho ra mắt sản phẩm bánh đa khô mới với đa dạng màu sắc bắt mắt được tạo ra từ các nguyên liệu sạch, an toàn, như: cà rốt, củ dền tím, lá dứa… Hiện, chúng tôi đang tập trung đi nghiên cứu thị trường, liên hệ với các siêu thị, nhà bán lẻ lớn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để đưa sản phẩm vào bày bán trong thời gian tới.

Trong các buổi đi kiểm tra, làm việc với các siêu thị trên địa bàn tỉnh về tình hình cung cấp hàng hóa, như siêu thị Vinmart (thành phố Phủ Lý), siêu thị Lan Chi (Duy Tiên), Phó Giám đốc Sở Công thương Hoàng Chí Dũng cũng đã bày tỏ trăn trở khi Hà Nam có khá nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, có giá trị kinh tế cao nhưng lại chưa được giới thiệu, bày bán tại các siêu thị. Trước thực tế đó, Phó Giám đốc Sở Công thương Hoàng Chí Dũng cho biết: Trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ rà soát, hỗ trợ một số siêu thị xây dựng “Điểm bán hàng Việt”, đồng thời chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối, siêu thị, giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh có cơ hội nâng cao sức tiêu thụ, mở rộng thị trường. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước đăng tải thông tin về sản phẩm OCOP của Hà Nam trên website của các Sở Công thương để các doanh nghiệp, siêu thị, nhà bán lẻ biết đến và chủ động liên hệ với Sở Công thương tỉnh Hà Nam khi muốn đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào bày bán.

Trọng tâm của chương trình OCOP là lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế để phát triển theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Mặc dù hệ thống bán lẻ của tỉnh đang phát triển khá mạnh, nhưng để đưa các sản phẩm OCOP “lên kệ” ở các siêu thị, trung tâm thương mại phải có sự đồng thuận, hợp tác từ 2 phía là nhà cung cấp và nhà bán lẻ, trước tiên là sự chủ động từ phía nhà cung cấp. Các bên cần tích cực hỗ trợ, phối hợp quảng bá sản phẩm, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh mới có cơ hội, điều kiện phát triển theo hướng bền vững.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nganh-nghe-nong-thon/no-luc-dua-cac-san-pham-ocop-vao-sieu-thi-trung-tam-thuong-mai-99431.html