Nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở thị xã Quảng Trị
Với lợi thế là có nhiều địa điểm di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, thị xã Quảng Trị có điều kiện để phát triển du lịch. Chính vì vậy, địa phương này nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực triển khai nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, đưa du lịch phát triển đúng hướng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển KT-XH của thị xã.
Là trung tâm kinh tế - văn hóa phía Nam của tỉnh, thị xã Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử cách mạng lừng danh như: Thành Cổ, Chứng tích Trường Bồ Đề, Nghĩa Trủng Đàn, Nhà hành lễ - Bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc sông Thạch Hãn...; cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Đập tràn Hải Lệ, dòng sông Thạch Hãn... Các địa điểm này có thể hình thành nên các tuyến du lịch kết nối với các di tích, điểm tham quan lân cận như: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang, Cửa Việt, Ba Lòng và các di tích, danh thắng trong tỉnh.
Nhờ vậy, ngành thương mại, dịch vụ thị xã khá phát triển, chiếm tỉ trọng cao trong tổng thể KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển chung, nhu cầu của du khách ngày càng cao, các khuynh hướng du lịch truyền thống có sự thay đổi, du khách đang hướng đến những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn và thân thiện với môi trường thì những sản phẩm du lịch hiện có ở thị xã chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.
“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của thị xã. Hiện thực hóa mục tiêu trên, thị xã Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH gắn với phát triển du lịch; xây dựng, phát triển và từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tạo điều kiện phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng và các dịch vụ liên quan...
Tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh về hoạt động du lịch trên địa bàn.
Hằng năm, tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch được tổ chức trong và ngoài tỉnh để quảng bá hình ảnh thị xã. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch trên hệ thống truyền thông từ thị xã đến cơ sở...”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Lê Phương Bắc cho hay.
Nhờ phát huy các lợi thế về yếu tố lịch sử, tổ chức nhiều chương trình, lễ hội du lịch mang tính tri ân như: các chương trình hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, tour DMZ... trong những năm qua, lượng khách đến thị xã ngày một đông hơn. Bình quân hằng năm, thị xã đón khoảng hơn 200.000 lượt khách đến viếng di tích Thành Cổ Quảng Trị, Nhà hành lễ, bến thả hoa sông Thạch Hãn.
Đặc biệt, chương trình tuyến phố đi bộ được tổ chức từ năm 2018 đến nay, mỗi đợt có khoảng 40 gian hàng, trong đó 20 gian ẩm thực, 20 gian hàng thương mại với các mặt hàng khá phong phú, đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách tham quan, mua sắm, đồng thời, tạo được không khí lễ hội sôi nổi, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, góp phần quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người và du lịch thị xã Quảng Trị.
Ngoài ra, trên tuyến phố đi bộ có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: âm nhạc đường phố, bài chòi, đi cà kheo, trò chơi dân gian... Lễ hội “Đêm hoa đăng” tri ân các anh hùng liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Từ đó đến nay, lễ hội đã được tổ chức hơn 100 đợt với tổng kinh phí xã hội hóa hơn 1,2 tỉ đồng, ước tính có khoảng 1.000 - 1.500 người tham gia. Lễ hội không chỉ đơn thuần là hoạt động tri ân mà trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đặc trưng riêng của thị xã, đây còn là một trong những hoạt động mang tính giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Để xây dựng sản phẩm du lịch mới trong những năm tiếp theo, thị xã tổ chức khảo sát, thử nghiệm tuyến du lịch trên sông Thạch Hãn; khảo sát kết nối các điểm du lịch. Đến nay, thị xã hoàn thành nội dung, lộ trình và triển khai thử nghiệm tour du lịch kết nối các điểm di tích trên địa bàn và vùng phụ cận (Thành Cổ Quảng Trị - Tháp Chuông - Nhà hành lễ - Nghĩa Trủng Đàn - Nhà Lưu niệm Tổng Bí Thư Lê Duẩn; Trường Bồ Đề - Tượng đài Mai Quốc Ca - Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang), bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong việc xây dựng sản phẩm du lịch mới của thị xã.
Từ tháng 7/2022 đến nay, thị xã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Hội Lữ hành Quảng Trị tổ chức tour du lịch trải nghiệm đêm, trong đó có 2 điểm đến trên địa bàn là Thành Cổ Quảng Trị và Nhà hành lễ - Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn. UBND thị xã tranh thủ sự hỗ trợ vốn của trung ương, của tỉnh và tăng cường công tác xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình chỉnh trang đô thị, hệ thống giao thông, đảm bảo phục vụ cho việc phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Số cơ sở trong ngành thương mại, dịch vụ và du lịch tăng khá, đến nay toàn thị xã có 2.756 cơ sở thương mại - dịch vụ. Riêng năm 2022, tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện là 272.659 triệu đồng đạt 126% so với dự toán.
Ông Lê Phương Bắc cho biết thêm: “Thời gian tới, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có gắn với lợi thế của địa phương như: chương trình “Đêm hoa đăng”, tuyến phố đi bộ, tour du lịch kết nối các điểm di tích. Huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc tham gia tổ chức các hoạt động du lịch trên địa bàn.
Hình thành, xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: du lịch thưởng ngoạn trên sông Thạch Hãn, du lịch nghỉ dưỡng tại Đập tràn - Khe Trái, tại Tích Tường....; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phục vụ tại các điểm du lịch đáp ứng nhu cầu đi lại, ăn nghỉ, vui chơi giải trí cho khách du lịch. Tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch. Tích cực kêu gọi đầu tư các dự án phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn.
Tranh thủ huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch. Bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ thương mại, dịch vụ và du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch”.