Nỗ lực đưa học sinh sớm trở lại trường

Các đợt mưa lũ liên tiếp và cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại khá nặng nề cho nhiều trường học trên địa bàn các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Trong đó, nhiều trường, điểm trường, khu bán trú bị hư hại nặng do lở núi, sạt lở đất, gió bão làm tốc mái… đến nay vẫn chưa thể khắc phục xong, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

 Khu nhà bán trú học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Húc, huyện Hướng Hóa bị vùi lấp bùn đất do lở núi, đến nay vẫn chưa thể khắc phục -Ảnh: ĐV

Khu nhà bán trú học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Húc, huyện Hướng Hóa bị vùi lấp bùn đất do lở núi, đến nay vẫn chưa thể khắc phục -Ảnh: ĐV

Do bị các đợt mưa lũ vừa qua tàn phá, điểm trường Pa Nho thuộc Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa - vốn nằm ngay cạnh 2 con suối - đã trở nên hoang tàn, hư hỏng nặng nề. Thầy Nguyễn Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh cho biết, qua 2 đợt lũ trước thì thầy cô giáo nỗ lực bảo vệ được bàn ghế học sinh và một số vật dụng khác của trường. Tuy nhiên, đến lần lũ thứ 3 vừa qua thì dù đã rất cố gắng nhưng do nước dâng nhanh, cao đến 3 m lại chảy xiết nên toàn bộ bàn ghế học sinh, tủ đựng hồ sơ và nhiều thiết bị, dụng cụ dạy và học của điểm trường này đã bị dòng nước hung dữ cuốn trôi hoàn toàn. “Sau đợt lũ lịch sử đó, trường chỉ còn dãy nhà với 3 phòng học. Cửa bị xạc tung, đồ đạc bị lũ cuốn mất dấu, tường rào bị đánh sập một đoạn dài. Cũng vì vậy nên đến nay 64 em học sinh (lớp 1 đến lớp 3), chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thể đến trường”, thầy Huy cho hay. Để sớm đưa học sinh quay trở lại trường học kịp chương trình, hiện nay được sự hỗ trợ của cấp trên, điểm trường Pa Nho đang được khẩn trương sửa chữa một số hạng mục nhỏ, thay thế các cánh cửa… Còn về đồ dùng học tập, sách vở cho học sinh đã có một số mạnh thường quân ủng hộ, cơ bản tạm đủ dùng cho các em học sinh. “Điểm trường này xây dựng đã lâu, hiện đã xuống cấp, lại nằm ở vị trí thấp, sát khe suối nên hằng năm đều ít nhiều bị thiệt hại do mưa lũ. Vì vậy, để thầy cô giáo và các em học sinh yên tâm dạy và học, chúng tôi mong muốn được các cấp, ngành, mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ để xây dựng điểm trường nơi khác kiên cố và an toàn hơn”, thầy Huy nói.

Tại xã Húc, mưa lũ cũng đã làm cho tuyến đường huyết mạch vào xã này hư hỏng rất nặng. Một số vị trí trên tuyến đường đã bị biến mất do sạt lở nặng, đơn vị thi công phải bạt khoét vào taluy dương để bồi đường, chèn đá hộc giúp lưu thông tạm. Một số đoạn đường khác, đất đá với khối lượng lớn tràn lấp mặt đường cao nhiều mét, các đơn vị giao thông phải nỗ lực dọn dẹp ngày đêm để thông tuyến. Cũng vì bị cô lập dài ngày nên nhiều điểm trường lẻ ở địa bàn xã Húc hiện vẫn chưa thể tổ chức dạy học. Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc cho biết, trường có 1 điểm trường chính trung tâm và 7 điểm trường lẻ (gồm Húc Thượng, Tà Ri 2, Ho Le, Tà Rùng, Tà Cu, Cu Dong, Húc Ván) nằm rải rác ở các thôn, bản xa xôi, cách trở. “Do đường giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng nên đến nay chỉ mới có khoảng 50% điểm trường hoạt động dạy học trở lại. Còn các điểm trường bị chia cắt do đường hư hỏng, suối ngập sâu thì hiện nay chúng tôi đang chờ thông đường được mới vào dọn dẹp, vệ sinh. Năm nay lụt ngập mấy lần nên một số điểm trường cũng thiệt hại khá nhiều dụng cụ dạy học, đồ chơi trẻ em. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên các điểm trường cũng gặp nhiều vất vả do phải dọn vệ sinh bùn đất mấy lần rồi mà đến nay vẫn chưa thể tổ chức dạy học lại được”, cô Hà chia sẻ. Sắp tới khi đường thông suốt và thời tiết tốt lên, nhà trường sẽ huy động giáo viên và nhờ sự hỗ trợ thêm nhân lực từ đoàn thanh niên xã, thôn phụ giúp dọn dẹp để sớm đưa các cháu mầm non học trở lại.

 Điểm trường Làng Cát thuộc Trường Tiểu học số 2 Đakrông, xã Đakrông, huyện Đakrông cần được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh -Ảnh: Đ.V

Điểm trường Làng Cát thuộc Trường Tiểu học số 2 Đakrông, xã Đakrông, huyện Đakrông cần được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh -Ảnh: Đ.V

Dù có vị trí cao ráo và khá bằng phẳng, nhưng do dãy núi phía sau sạt lở mạnh đã làm vùi lấp, gây hư hại một phần khu bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Húc. Ngoài ra khu nhà vệ sinh, khu nhà bếp cũng hư hại, đất sạt trượt tràn vào với khối lượng lớn nên không thể sử dụng được. Tình trạng này khiến các em học sinh ở xa không còn chỗ ăn ở. Thầy Nguyễn Trọng Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Húc với một bàn tay vẫn còn băng bó sau một lần dọn dẹp trường lớp, dẫn chúng tôi ra khu nhà bán trú giờ đây đã bị một khối lượng đất đá sạt lở vùi lấp, tỏ ra lo lắng nói: “Khu nhà bán trú hiện đã bị hàng nghìn khối đất đá tràn vùi lấp, không thể sử dụng được nữa. Với sức của anh em giáo viên thì không thể nào kham nổi việc dọn dẹp. Vì vậy nhà trường mong muốn sớm được các lực lượng khác hỗ trợ giúp trường dọn dẹp bùn đất để các em học sinh có chỗ ăn ở, ổn định việc học”, thầy Hùng mong muốn. Để duy trì việc học, nhiều em học sinh hiện nay phải ở nhờ nhà người quen gần trường. Tuy nhiên theo thầy Hùng thì đó chỉ là giải pháp tạm thời bởi sẽ rất bất tiện trong việc ăn ở, sinh hoạt, học tập của các em…

Tại điểm trường Làng Cát thuộc Trường Tiểu học số 2 Đakrông, xã Đakrông, dãy nhà gồm 3 phòng học đã được xây dựng cách đây hàng chục năm, lại vừa trải qua đợt mưa bão lớn càng rệu rã thêm. Dãy nhà cũ này hiện toàn bộ tường đã xuống cấp, bong tróc, phủ kín rêu, phần mái lợp bằng tấm phi-bờ-rô xi măng đã bị thấm dột nghiêm trọng, thủng lỗ chỗ…Thầy Trần Đình Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Đakrông cho biết: “Đợt bão lũ vừa qua đã làm tốc phần mái, cửa sổ nhiều phòng học của nhà trường; một phòng ở giáo viên cũng bị hư mái tôn, phần laphông bị sập hết. Ngoài điểm trường Làng Cát thì có thêm 5 điểm trường khác của Trường Tiểu học số 2 Đakrông cũng bị thiệt hại tương tự. Chính vì thế trường phải mượn tạm nhà cộng đồng, rồi sửa một số phòng học ít hư hại để dùng chung cho 2 lớp nhằm duy trì tổ chức cho các em học theo kịp chương trình. Nhà trường cũng đã có phương án khắc phục, tu sửa lại trường lớp sau bão lũ nhưng hiện đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí, mong được các cấp, ngành, nhà hảo quan tâm hỗ trợ thêm” thầy Minh bày tỏ.

Hiện nhiều trường, điểm trường trên địa bàn các huyện nói trên vẫn đang còn ngổn ngang, bộn bề dấu vết của bão lũ, từng ngày mong muốn khắc phục để đón các em học sinh quay trở lại. Trong chuyến kiểm tra nắm tình hình và làm việc với ngành giáo dục và đào tạo các huyện Hướng Hóa và Đakrông sau bão lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các đơn vị lực lượng vũ trang, các ban, ngành liên quan khẩn trương huy động nhân lực, máy móc giúp các trường, điểm trường khắc phục hậu quả bão lũ để đưa công tác dạy và học trở lại bình thường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Hiện nay tỉnh đang huy động tối đa các lực lượng của tỉnh, lực lượng quân sự đóng trên địa bàn tăng cường cho các địa phương, đặc biệt là huyện Hướng Hóa. Chúng tôi phấn đấu trong cuối tuần tới, toàn lực lượng sẽ dốc sức thực hiện một chiến dịch dọn dẹp toàn bộ đất đai, bùn do lũ che lấp các điểm trường, trường học ở các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Húc để sớm đưa các em học sinh học trở lại bình thường.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153065