Nỗ lực đưa nghệ thuật đến với công chúng
Trong những năm qua, đời sống tinh thần của người dân thành phố cảng ngày càng được nâng cao bởi sự sôi động, đa dạng của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nhà hát Thành phố luôn sáng đèn
Năm 2024 là năm thứ 4, ngành văn hóa Hải Phòng triển khai thực hiện Chương trình Sân khấu truyền hình và đã trở thành một điểm hẹn văn hóa nghệ thuật của những người yêu nghệ thuật sân khấu thành phố cảng. Trong tuần cuối cùng của mỗi tháng sẽ có một chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp thông qua sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng để đến với công chúng yêu nghệ thuật cả nước.
Phát huy những kết quả đạt được của Đề án Sân khấu truyền hình, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã xây dựng 12 chương trình với chất lượng kịch bản tốt. Khán giả Thành phố, du khách được thưởng thức những tác phẩm kinh điển như vở kịch “Romeo và Juliet” do Đoàn kịch Hải Phòng làm chủ công, cùng với sự tham gia phối hợp của diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội. Hay vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Pháp Victor Hugo, được công diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Gần đây nhất là vở bi kịch nổi tiếng của William Shakespeare - “Macbeth” cũng được Đoàn kịch nói Hải Phòng dựng và công diễn tại Nhà hát Thành phố.
Bên cạnh đó là các chương trình “Ai rồi cũng sẽ khác” và “Đời cười” của Nhà hát Tuổi trẻ; gần nhất là vở chèo “Mưa đỏ”, kịch bản của nhà văn Chu Lai, NSND Thúy Mùi đạo diễn; vở rối “Aladin và cây đèn thần” của đạo diễn NSND Tuấn Hải; vở rối “Dế mèn phiêu lưu ký” của đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng đã biểu diễn rất thành công, đón nhận sự hưởng ứng và phản hồi tích cực từ khán giả.
“Chúng tôi nhận thấy, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng cao, thế nên, ngoài các loại hình sân khấu với những tác phẩm nổi tiếng trong nước vẫn được công diễn, chúng tôi đang tiếp tục đưa những tác phẩm kinh điển thế giới qua những vở diễn đến với khán giả. Thực tế, đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, việc chuyển thể tác phẩm văn học nổi tiếng nước ngoài để trình diễn qua một loại hình nghệ thuật là cách để tác phẩm có thêm một diện mạo khác, mới mẻ, mở rộng khả năng tiếp cận công chúng. Một tác phẩm kinh điển của thế giới được tái hiện trên sân khấu, câu chuyện trong tác phẩm được kể lại hoàn chỉnh hơn thông qua âm nhạc, lời thoại, diễn xuất”, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết.
Mang nghệ thuật đến với công nhân, người lao động
Ngành văn hóa Hải Phòng được công chúng ghi nhận khi triển khai hiệu quả đề án sân khấu truyền hình. Đến thời điểm hiện tại, 12 chương trình, vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật: cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, chèo và múa rối, nhạc kịch đã được tổ chức biểu diễn và truyền hình trực tiếp trên kênh THP và phát sóng rộng khắp.
Không chỉ “sáng đèn” tại sân khấu Nhà hát Thành phố, các vở diễn còn đến với người lao động tại nhiều khu công nghiệp trong thành phố. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Liên đoàn Lao động Hải Phòng tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn cho công nhân lao động tại những nơi này.
Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định, cùng với phát triển kinh tế, Hải Phòng luôn quan tâm đầu tư phát triển văn hóa, nghệ thuật, đưa văn hóa, nghệ thuật đến gần hơn với đông đảo người dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chia sẻ thêm, bà Trần Thị Hoàng Mai cho hay: “Cả 5 đoàn nghệ thuật thành phố không chỉ biểu diễn trong chương trình sân khấu trên truyền hình, mà còn tổ chức công diễn phục vụ đông đảo nhân dân tại vùng nông thôn, hải đảo xa xôi. Mới đây nhất, sân khấu và các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn đã được đưa đến các công xưởng, nhà máy phục vụ công nhân lao động”.
Còn theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, đây thực sự là một hoạt động cụ thể hóa mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Thành phố. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu công nghiệp là những món ăn tinh thần độc đáo cho công nhân, người lao động.
Với nhiều hoạt động thiết thực, cách làm sáng tạo, trong những năm qua, ngành văn hóa, nghệ thuật đã thực sự tạo nên một dấu ấn nổi bật, đặc sắc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân thành phố Hoa phượng đỏ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/no-luc-dua-nghe-thuat-den-voi-cong-chung-d214782.html