Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở Bảo Lâm
Bảo Lâm là một huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức cao, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của chính quyền địa phương, thông qua những mô hình sản xuất cụ thể, công tác giảm nghèo ở Bảo Lâm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm của huyện được đầu tư xây dựng đồng bộ, giúp người dân đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế. Huyện Bảo Lâm cũng triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới... Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Động lực cho người dân
Tiêu biểu như sự hỗ trợ của Viện kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) đã tổ chức tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả cho người dân, HTX ở Cao Bằng, trong đó có một số HTX ở huyện Bảo Lâm.

Hỗ trợ bò cho người nghèo phát triển kinh tế.
Liên minh HTX tỉnh đã khảo sát nhu cầu, nắm bắt khó khăn của HTX Nông nghiệp để tìm hướng, hỗ trợ HTX tiếp cận một số nguồn vốn ưu đãi. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh kết hợp với Viện Kinh tế hợp tác, tiến hành tư vấn và hỗ trợ thành lập các HTX trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch... nhằm tạo ra các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả. Đồng thời, đào tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất, quản lý kinh doanh, giúp người dân nâng cao năng lực và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thông qua những chương trình này, huyện đã tập trung hỗ trợ người dân, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất. Các chương trình hỗ trợ cây, con giống, vốn vay ưu đãi được triển khai hiệu quả, giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương như trồng trọt, chăn nuôi, phát triển cây giang...
Những việc này góp phần đa dạng hóa các mô hình sinh kế, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân, giúp họ tăng thu nhập. Đồng thời việc kết hợp với tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về giảm nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Những mô hình hiệu quả
Hiện trên địa bàn huyện có các HTX hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nông, lâm - ngư nghiệp; vệ sinh môi trường… Trong đó, nhiều HTX đang thực sự hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020 với 9 thành viên, HTX nông - lâm nghiệp 700 Bảo Lâm chuyên thu mua, cung ứng gạo “Khẩu Hom” và cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi.
Một số thành viên HTX và một số hộ tham gia trồng cây lúa “Khẩu Hom” đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn. Nhờ có HTX mà những năm gần đây, cây lúa “Khẩu Hom” phát triển mạnh, đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên được bà con chú trọng gieo cấy. Đặc biệt, từ ứng dụng công nghệ, tăng cường liên kết, HTX còn bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho người dân khá thuận lợi.

Cây giang giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Từ lúc thành lập đến nay, doanh thu mỗi năm của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, bình quân thu nhập của 9 thành viên và 3 lao động thường xuyên của HTX đạt từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động theo thời vụ khác.
Còn tại HTX vệ sinh môi trường Long Tuấn thành lập năm 2015, có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong khu dân cư trên địa bàn thị trấn Pác Miầu. Hiện nay, trung bình HTX thu gom trên 100 tấn rác/ngày, giải quyết việc làm cho 12 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. HTX cũng có chế độ thăm hỏi khi ốm đau, bảo hiểm y tế đầy đủ cho thành viên, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.
Ngoài những mô hình của HTX, trên địa bàn huyện còn có dự án trồng cây giang. Đây là một mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân. Dự án đã thu hút hàng trăm hộ dân tham gia, với tổng diện tích hàng nghìn ha. Dự án này đã có sự tham gia của gần 700 hộ dân của các xã trong huyện Bảo Lâm. Theo đó, các xã đã hình thành được một số tổ hợp tác hỗ trợ người dân sản xuất và có doanh nghiệp liên kết bao tiêu.
Theo tính toán, từ năm thứ 3 trở đi mỗi khóm giang thu được khoảng 50kg, tương đương 375 triệu đồng/ha. Thực tế hiện nay để tiết kiệm đất hầu như các hộ đều trồng mật độ từ 1.000 cây/ha trở lên vì vậy số thu nhập là gấp đôi. Hiện, cây giang cũng đang là được mệnh danh là cây giảm nghèo cho không ít hộ dân trong huyện.
Ngoài mô hình này, huyện còn kết hợp với một số xã để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bò giống sinh sản. Mô hình này giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định. Anh Giàng A Dia, dân tộc Mông thuộc diện hộ nghèo của xã Yên Thổ, được hỗ trợ bò sinh sản thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng theo CTMTQG giảm nghèo bền vững. Gia đình anh có 4 người nhưng làm ruộng theo mùa vụ nên thu nhập không cao.
Gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Điều này giúp gia đình có thêm động lực để phát triển nuôi bò, phấn đấu tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Gỡ khó trong phát triển kinh tế
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế của Bảo Lâm. Điều này cũng làm cản trở quá trình giảm nghèo của huyện.
Cụ thể như nhiều hộ nghèo, HTX đang thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, nguồn nhân lực còn hạn chế.
Ngay như HTX Nông nghiệp Bền Vững thành lập từ năm 2022, với 7 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay HTX đang có nhu cầu vay để đầu tư phương án chăn nuôi ngựa bạch thương phẩm. Phương án đầu tư có tổng chi phí dự kiến gần 700 triệu đồng, trong đó vốn tự có của HTX là hiện chưa đến 400 triệu đồng.
Chính vì vậy, ngoài sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh, HTX mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để có thể tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, từ đó hỗ trợ vào quá trình giảm nghèo của địa phương một cách hiệu quả, bền vững.
Để giải quyết những thách thức này, huyện Bảo Lâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, HTX.
Hiện nay, để giúp người dân chủ động sản xuất, có thêm việc làm, huyện Bảo Lâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX. Huyện cũng xác định thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/no-luc-giam-ngheo-ben-vung-o-bao-lam-1105791.html