Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp người dân miền núi, đồng bào Vân Kiều thoát nghèo.

Nhiều hộ dân ở xã Thuận (Hướng Hóa) thoát nghèo nhờ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.

Nhiều hộ dân ở xã Thuận (Hướng Hóa) thoát nghèo nhờ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tạo động lực để người nghèo vươn lên

Nằm ở khu vực miền núi, huyện Hướng Hóa xác định nông nghiệp vẫn là một trong những thế mạnh của địa phương. Từ đó, địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Từng bước tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Xã Thuận là một trong những địa phương có thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu để sản xuất nông nghiệp. Địa phương cũng tận dụng tối đa những lợi thế đó để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Những năm gần đây, nhiều người dân địa phương nhận được hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Xã Thuận có nhiều mô trình trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, trồng sắn... mang lại hiệu quả.

 Nhiều người dân tiếp cận được hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo để vươn lên phát triển kinh tế.

Nhiều người dân tiếp cận được hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo để vươn lên phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Dương Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận cho biết, qua hàng năm, các hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương được quan tâm, ưu tiên từ các chương trình, dự án về hỗ trợ vật nuôi để phát triển kinh tế. Bà con cũng được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề... Từ đó, các hộ dân đã đầu tư trồng trọt chăn nuôi, chú trọng sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách, nhiều hộ dân xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao: Hồ A Kiêm, Hồ Pa Lươi, Hồ A Cách...

Trước đây, kinh tế gia đình anh Hồ A Kiêm (thôn Úp Ly, xã Thuận) cũng khó khăn giống như bao hộ dân Vân Kiều ở trong xã. Không cam chịu nghèo khó, anh Kiêm đã xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi để thay đổi cuộc sống. Đến nay, anh Kiêm sở hữu 2 ha sắn, 2 ha cao su, 1 ao cá và chăn nuôi bò.

Anh Kiêm cho biết, thu nhập mỗi năm của gia đình đạt từ 80-100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, bền vững từ trồng trọt, chăn nuôi, anh có thể trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con học hành.

Ông Hồ A Dung, Chủ tịch UBND xã Thuận cho biết, hàng năm UBND xã đều tham mưu Đảng ủy ban hành Nghị quyết về công tác giảm nghèo; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; huy động các nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững.

Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nên tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Đến nay, địa phương còn khoảng 32,8% hộ nghèo. Nguồn vốn các chương trình giảm nghèo hướng đến hỗ trợ về cây con giống để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất.

“Nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, các dự án đã tạo động lực để người nghèo vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống”, ông Hồ A Dung nói.

Triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, huyện Hướng Hóa đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình giảm nghèo, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, vận động để làm thay đổi nhận thức về tự chủ, tự lực trong lao động sản xuất.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo theo từng giai đoạn và từng năm phù hợp với mỗi địa phương. Đồng thời, đưa tiêu chí giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ đầu năm.

Theo đó, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các tổ thẩm định dự án phát triển cộng đồng...

 Mô hình cây ăn quả ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Đình Phục

Mô hình cây ăn quả ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Đình Phục

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hướng Hóa, trong giai đoạn 2021-2024 đã triển khai nhiều chương trình, dự án hướng đến người dân có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong đó, có thể kể đến dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã triển khai hàng chục tiểu dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng thuộc lĩnh vực nông nghiệp qua việc hỗ trợ chăn nuôi dê, bò.

Hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo của các địa phương tham gia dự án. Cùng với hỗ trợ sản xuất, còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực giảm nghèo.

Ngoài ra, chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH là một chính sách quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giúp gần 15.000 lượt hộ được vay vốn.

Cùng với việc hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo được quan tâm, tạo điều kiện. Từ năm 2021 đến nay đã tổ chức 22 lớp đào tạo nghề cho gần 450 lao động. Dự kiến, từ nay đến cuối năm đào tạo thêm 39 lớp với gần 800 học viên.

Ông Trần Trọng Kim, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hướng Hóa cho biết, qua hơn 3 năm triển khai chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đã tạo chuyển biến tích cực, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân các địa phương.

“Các chính sách giảm nghèo đã góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện, làm thay đổi diện mạo nông thôn, có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống người nghèo từng bước được cải thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Trọng Kim nói.

Tỉ lệ giảm hộ nghèo của huyện Hướng Hóa luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong 4 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 14,49%. Trung bình mỗi năm giảm 3,62%/năm.

Các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo như Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin... được các ngành, địa phương tập trung thực hiện, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-giam-ngheo-ben-vung-o-huyen-mien-nui-huong-hoa-tinh-quang-tri-post693096.html