Nỗ lực giảm nghèo ở huyện vùng biên Trùng Khánh

Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chương trình, dự án thuộc các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) có thêm những cơ hội để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên giảm nghèo bền vững.

Trùng Khánh là một trong những huyện vùng biên nghèo của tỉnh Cao Bằng. Việc giảm nghèo ở huyện trước đây không hề dễ dàng bởi những khó khăn về điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian qua, huyện nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, đồng thời chú trọng phát triển mô hình kinh tế liên kết, hình thành các HTX kiểu mới dựa vào những cây đặc sản. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp, kinh tế của huyện đã có nhiều biến chuyển tích cực, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm dần theo thời gian.

Phát triển cây trồng địa phương

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,34%, để đạt được kết quả này, huyện chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc. Hằng năm, huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách dân tộc và các nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành của huyện trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Huyện Trùng Khánh đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây hạt dẻ lên 1.000 ha.

Huyện Trùng Khánh đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây hạt dẻ lên 1.000 ha.

Từ đầu giai đoạn đến nay, huyện được giao 321,236 tỷ đồng thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó 161,210 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 160,026 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện 10 dự án của chương trình. Riêng năm 2024, thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 730 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 77 hộ nghèo. Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến giai đoạn 2021 - 2025, trong đó triển khai trồng cây dẻ 190,83/217,8 ha, đạt 87,6% kế hoạch.

Huyện Trùng Khánh nổi tiếng với đặc sản hạt dẻ, một sản phẩm nông nghiệp đặc thù không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn gắn bó với đời sống văn hóa, lịch sử của người dân nơi đây.

Trước đây, người dân thường không có thói quen chọn giống, đa phần đều để cây trồng tự lớn rồi thu hoạch nên sản lượng không cao. Nhưng vài năm gần đây, huyện Trùng Khánh đã khuyến khích người dân cải tạo diện tích cây cũ kết hợp trồng mới để gia tăng diện tích và sản lượng.

Diện tích trồng cây hạt dẻ tăng nhanh qua các năm. Hiện, tổng diện tích cây dẻ trên địa bàn huyện là 770ha. Trong đó, số cây dẻ đang cho thu hoạch trên 300ha, tập trung tại các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu, Thị trấn Trùng Khánh, Đàm Thủy.

Sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 160 tấn hạt/năm, chủ yếu do người dân tự bán tại các chợ phiên của huyện, giá bán trung bình từ 100 - 150 nghìn đồng/kg, tạo nguồn thu nhập đáng kể giúp giảm nghèo tại địa phương. Những hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa đều được hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ giống phát triển, được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Vai trò của HTX

Một trong những mô hình tiêu biểu đó chính là HTX Bích Loan, ở thị trấn Trùng Khánh đã đầu tư vườn ươm cây hạt dẻ, áp dụng kỹ thuật ghép giống để giảm thời gian phát triển, rút ngắn thời gian cây cho quả nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cách ươm truyền thống.

Đến nay, HTX cung cấp giống cho người dân trên địa bàn huyện 13.000 cây dẻ ghép và 7.000 cây dẻ thực sinh (ươm từ hạt). Ngoài ra, HTX còn đầu tư phát triển các loại giống cây ăn quả nhằm hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng hàng hóa một cách thuận lợi.

Vườn ươm giống của HTX Bích Loan.

Vườn ươm giống của HTX Bích Loan.

Trước đây, gia đình ông Nông Văn Chu, xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2020, gia đình ông Chu chuyển đổi một số diện tích trồng ngô năng suất thấp và đất đồi sang trồng cây dẻ. Trong quá trình trồng dẻ, ông Chu được HTX Bích Loan cung cấp giống cây và tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên vườn dẻ được chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại, cắt tỉa cành, tạo tán giúp cây mọc không quá cao để thuận tiện cho thu hoạch.

Đến nay, gia đình ông có trên 2 ha cây dẻ, trong đó hơn 1 ha đã cho thu hoạch. Với giá bán từ 100 - 150 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định và vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, ông luôn chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên khác trong xóm phát triển kinh tế, cùng nhau nâng cao thu nhập.

“Một ưu điểm đó là những hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa đều được hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ giống phát triển, được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Còn người dân đã tận dụng đất và được hướng dẫn chuyển đổi từ trồng cây lương thực sang trồng mới cây ăn quả theo đúng chỉ tiêu huyện giao. Chính vì vậy, ngoài diện tích hạt dẻ, diện tích cây cam, quýt trồng mới của huyện”, đại diện HTX Bích Loan cho hay.

Phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các HTX

Để tạo thương hiệu góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản địa phương, huyện Trùng Khánh đã kết hợp với tỉnh Cao Bằng và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng triển khai nghiên cứu nhiều đề tài phục tráng, bảo tồn và phát triển các loại cây ăn quả, trong đó có cây dẻ.

Đồng thời, huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, vườn bảo tồn nguồn gen gốc, tìm phương pháp diệt trừ sâu bệnh, hướng dẫn nông dân, thành viên HTX cách phòng trừ sâu bệnh.

Xác định được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện đã quan tâm phát triển mô hình HTX để làm nền tảng hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hình thức “4 nhà”, từ đó hạn chế khó khăn và tạo thuận lợi trong tiếp cận các chính sách, cơ chế của Nhà nước.

Đến nay, Trùng Khánh đã phát triển và xây dựng được những mô hình kinh tế hàng hóa hiệu quả. Điển hình như HTX An Thịnh, xã Lưu Ngọc, HTX Nông lâm và dịch vụ An Bình, xã Cao Chương.

UBND huyện Trùng Khánh cho biết, năm 2025, huyện tiếp tục rà soát diện tích đất phù hợp, tăng diện tích cây trồng đột phá, áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất để tạo đột phá về năng suất, tăng giá trị sản phẩm. Riêng với cây hạt dẻ, từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành vùng sản xuất cây dẻ với quy mô lên tới 1.000 ha, phát triển vùng trồng dẻ theo hướng bền vững và hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung và huyện Trùng Khánh nói riêng, qua đó tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS trong huyện vươn lên thoát nghèo bền vững; phấn đấu huyện không còn hộ nghèo trong thời gian tới.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/no-luc-giam-ngheo-o-huyen-vung-bien-trung-khanh-1105837.html