Nỗ lực giảm nghèo ở Thượng Ninh
Vùng đất Thượng Ninh (Như Xuân) là nơi đồng bào dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh... cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, xã Thượng Ninh đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Anh Lê Văn Hiệp (bên phải) ở thôn Đức Thắng phát triển kinh tế với mô hình nuôi thỏ giống.
Gia đình anh Lê Văn Hiệp ở thôn Đức Thắng - một trong những hộ đi đầu của thôn về phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi thỏ giống với khu chuồng trại có diện tích 300m2 được bố trí hợp lý, chia thành những ô lồng nuôi sạch sẽ đảm bảo cho thỏ sinh trưởng, phát triển.
Anh Hiệp chia sẻ: "Gia đình tôi bắt đầu tìm hiểu và nuôi thỏ giống New Zealand từ năm 2023. Để có kiến thức về nuôi thỏ, tôi đã đến học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại nuôi thỏ giống trong và ngoài huyện, đồng thời tham khảo kỹ thuật qua sách, báo và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức. Hiện trang trại của gia đình có gần 500 thỏ bố mẹ, trung bình mỗi tháng xuất bán gần 1.000 con thỏ giống, với giá bán tại trang trại 100.000 đồng/cặp. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập từ nuôi thỏ khoảng hơn 100 triệu đồng".
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh Phùng Văn Thi cho biết, hiện nay ngoài mô hình nuôi thỏ giống của gia đình anh Lê Văn Hiệp, xã còn có nhiều hộ đã và đang phát triển kinh tế, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Nguyễn Văn Điệp ở thôn Đồng Tâm kinh doanh vật liệu xây dựng; bà Hà Thị Thi ở thôn Đồng Tâm với mô hình nhà màng trồng dưa Kim Hoàng hậu; bà Quách Thị Huyên ở thôn Đồng Minh với mô hình trồng bí, dưa; ông Lê Văn Thành ở thôn Đức Thắng với mô hình sản xuất các sản phẩm tre, luồng...
Cùng với chăn nuôi, trồng rau, màu, Thượng Ninh có diện tích tự nhiên hơn 5.200ha, trong đó có 2.580ha diện tích đất sản xuất, thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp. Cây keo được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Toàn xã hiện có 2.125ha cây keo, bình quân mỗi ha keo đạt 70 - 80 tấn nguyên liệu, riêng năm 2025 trồng mới được 720ha rừng sản xuất (trồng keo). Diện tích khai thác rừng trồng là 780ha. Năm 2025, giá thu mua cây lâm nghiệp (cây keo) giữ ở mức cao và ổn định. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn xã được thực hiện nghiêm túc, an ninh rừng được đảm bảo. Thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ 29.670kg gạo cho người trồng rừng là hộ nghèo và dân tộc thiểu số. Ngoài cây keo thì cây sắn được bà con mở rộng diện tích trồng, hiện nay diện tích sắn hơn 268ha, sản lượng đạt hơn 5.300 tấn niên vụ 2024-2025.
Thượng Ninh còn có tuyến đường Hồ Chí Minh và đường tỉnh 514 đi qua địa bàn nên thuận lợi cho việc kinh doanh, phát triển dịch vụ thương mại, vận tải. Toàn xã có 242 hộ kinh doanh cá thể, số hộ có xe kinh doanh vận tải là 55 hộ. Trên địa bàn xã có 6 bàn cân phục vụ thu mua các sản phẩm nông, lâm nghiệp cho Nhân dân trong xã và các vùng phụ cận. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ - thương mại - vận tải ước đạt 184 tỷ đồng/năm.
Sự tích cực lao động, sản xuất của bà con Nhân dân đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho bà con Nhân dân, thúc đẩy tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình XDNTM. Hiện nay, Thượng Ninh có 7/11 thôn đạt chuẩn NTM; xã đạt 17/19 tiêu chí XDNTM; 1 sản phẩm VietGAP (gà thịt); 1 sản phẩm xích đu tre gai đạt OCOP 3 sao. Xã tuyên truyền, vận động 155 hộ dân hiến hơn 10.200m2 đất, các loại tài sản khác để làm đường giao thông. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 53,8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được hỗ trợ cây, con giống trong phát triển sản xuất. Hàng năm, UBND xã phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới thực hiện chương trình hỗ trợ giống lợn, gà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Năm 2024, xã còn 173 hộ nghèo, 85 hộ cận nghèo, đến tháng 5/2025 số hộ nghèo giảm còn 89 và cận nghèo còn 18.
Hiện nay, Thượng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong phát triển kinh tế - xã hội của xã. Tăng cường vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng công nghệ cao vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tập trung đẩy mạnh sản xuất trên các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng trong năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4,5%.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/no-luc-giam-ngheo-o-thuong-ninh-37181.htm