Nỗ lực giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô
Đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở tỉnh Quảng Trị sinh sống tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và một số xã ở phía Tây của các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh với trên 85.000 người. Chính quyền tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sinh kế giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
Từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a/NQ-CP, về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trên cả nước (Nghị quyết 30a). Tỉnh Quảng Trị có huyện miền núi Đakrông nhận được sự hỗ trợ theo Nghị quyết này. Huyện Đakrông có dân số gần 45.000 người, trong đó đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chiếm hơn 77%.
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a, huyện Đakrông đã huy động được hơn 545 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 410 tỷ đồng, còn lại nguồn hỗ trợ khác, để đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nhất là hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế để tăng thu nhập.
Mô hình nuôi dúi (chuột núi) do Dự án Plan tại Quảng Trị hỗ trợ, được triển khai từ tháng 6/2019, tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Đến tháng 2/2020, sau 8 tháng triển khai, mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế, được nhân rộng thêm tại hai xã A Bung và Mò Ó, với 60 hộ tham gia.
Ở mô hình này, mỗi hộ được dự án hỗ trợ kinh phí mua 4 con dúi giống với giá 350.000 đồng/con; xây chuồng nuôi khoảng 2,2 triệu đồng; đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc dúi. Sau 6 tháng nuôi, dúi thịt đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con, bán ra thị trường với giá 350 - 400 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi được trên 200 nghìn đồng/con. Ngoài ra, mỗi năm dúi cái đẻ hai lứa, với mỗi lứa đẻ một con. Dúi con giống bán được 350.000 đồng/con nên các hộ có thêm thu nhập.
Ông Hồ Văn Bơn, ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt - một trong những hộ nuôi dúi cho biết, dúi nuôi dễ chăm sóc, nguồn thức ăn dễ kiếm trong tự nhiên, cần ít vốn nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân vùng cao. Do đó, các hộ tập trung đầu tư phát triển đàn dúi nuôi để tăng thu nhập.
Huyện Đakrông ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Trồng cao su tiểu điền, nuôi lợn bản, trồng chuối, nuôi dê nhốt chuồng... Đặc biệt, hàng nghìn hộ có việc làm và thu nhập từ các mô hình bảo vệ, phát triển rừng.
Điển hình là Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mekong mở rộng - giai đoạn 2”, được thực hiện từ năm 2011 – 2020 ở 12 xã thuộc hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, với nguồn vốn hỗ trợ hơn 155 tỷ đồng từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Dự án có mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho người dân. Đến tháng 2/2020, dự án này đã trực tiếp hỗ trợ cho gần 2.000 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng, hỗ trợ sinh kế thông qua sản xuất nông nghiệp cho hơn 300 hộ dân, xây dựng 23 công trình phục vụ người dân.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, trong thời gian qua, dự án đã mang lại lợi ích rõ rệt cho địa phương, về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Việc huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng và hỗ trợ người dân, đã giúp huyện miền núi Đakrông ngày càng khởi sắc. Đến nay, huyện Đakrông có 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, điện sinh hoạt, trường tiểu học, trạm y tế, phủ sóng phát thanh; tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 56,5%, đến cuối năm 2019 giảm còn 33,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, việc thực hiện Nghị quyết 30a ở huyện Đakrông đã giúp cải thiện về điều kiện sống, nhận thức của người dân được nâng lên. Người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; nhu cầu thiết yếu cơ bản được đáp ứng như: nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh.
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước; trong đó có chính sách phát triển cây trồng chủ lực. Những năm qua, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Hướng Hóa đã xây dựng được vùng chuyên canh chuối mật mốc, tập trung ở các xã: Tân Long, Tân Hợp, Hướng Lộc với gần 4.000 ha.
Được sự hỗ trợ của nhà nước, các hộ trồng chuối đã xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị. Do đó, chuối mật mốc không chỉ được bán vào dịp Tết Nguyên đán mà còn thường xuyên được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Chuối mật mốc đã và đang giúp hàng nghìn hộ đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Hướng Hóa phát triển kinh tế với tổng doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Ông Hồ Văn Hô, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa cho biết: Trồng chuối cho thu nhập ổn định, thường xuyên. Khi buồng chuối cho thu hoạch, người dân cắt hạ xuống, vận chuyển ra chợ bán là có tiền; tùy theo chuối to hay nhỏ và chất lượng, mà mỗi buồng chuối có giá bán từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Ở huyện Hướng Hóa, nhiều hộ đồng bào Vân Kiều, Pa Cô còn thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi trâu, bò, lợn, trồng sắn, hồ tiêu, phát triển rừng trồng, đặc biệt là sản xuất cà phê. Vùng chuyên canh cà phê ở Hướng Hóa có gần 5.000 ha, nổi tiếng với thương hiệu “Cà phê Khe Sanh”.
Để nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê ở huyện Hướng Hóa, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp, sang trồng các giống cà phê cho năng suất cao, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh dành trên 250 tỷ đồng hỗ trợ người dân tái canh từ 150 - 200 ha cà phê/năm.
Hiện nay, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Hướng Hóa đang có thêm nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo, khi hàng chục doanh nghiệp đã đến đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió. Ở các xã vùng biên giới của huyện Hướng Hóa như: Hướng Linh, Hướng Phùng… những cánh đồng điện gió đã và đang được xây dựng. Các dự án đầu tư vào điện gió không chỉ tạo thêm việc làm, mà còn góp phần xây dựng hệ thống giao thông, cung cấp điện… phục vụ người dân địa phương sản xuất.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Hướng Hóa đã đạt gần 35 triệu đồng/năm. Theo số liệu của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân huyện Hướng Hóa, ở vùng đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 34,5% năm 2016 xuống còn 21%; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã, điện lưới quốc gia, trạm y tế xã có bác sỹ, phủ sóng truyền hình đến thôn bản.