Nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường
Với quyết tâm cải thiện chất lượng không khí, hướng tới thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp, thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn.
Những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục ở ngưỡng có hại đối với sức khỏe người dân, thậm chí nhiều thời điểm “lọt” vào nhóm ô nhiễm nhất thế giới.
Các dữ liệu đo đạc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thời gian qua cũng khẳng định, chất lượng không khí tại Thủ đô thường xuyên nằm ở mức kém và xấu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Những con số thống kê chỉ ra rằng, trong các đợt ô nhiễm cao điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên dao động ở mức 200, vượt xa ngưỡng an toàn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đáng chú ý, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để cải thiện chất lượng không khí, thành phố đã xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó Hà Nội xác định nhiệm vụ cụ thể, ưu tiên biện pháp giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Đó là vận hành ổn định hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí; đôn đốc các địa phương xử lý triệt để tình trạng đốt rơm rạ và đốt rác thải; điều tiết, phân luồng giao thông tại nút giao thông ùn tắc... Hà Nội đặt mục tiêu giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải bụi mịn PM2.5 từ các nguồn thải chính khoảng 20% so với năm 2019, tương đương giảm 6.200 tấn PM2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu; thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm không khí nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân chủ động ứng phó.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.
Thành phố khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện giao thông phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch, xanh, thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải công cộng để giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông…
Các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Tất cả công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp, không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, giảm đốt vàng mã…
Mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, Nghị quyết về vùng phát thải thấp đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để cải thiện chất lượng không khí. Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp các ngành và địa phương liên quan triển khai sớm; đồng thời tập trung thực hiện đề án bảo vệ môi trường bốn sông khu vực nội đô; phối hợp triển khai phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch và triển khai kế hoạch thu gom rác thải tự động, xóa các điểm chân rác... tiến tới không để rác thải sinh hoạt lưu cữu qua đêm, gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-giam-o-nhiem-moi-truong-post856424.html