Nỗ lực giảm phát thải carbon ngành hàng không tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương
Thị trường hàng không khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới vào năm 2043 với khả năng cải thiện hiệu suất nhiên liệu nhằm đóng góp đáng kể vào các nỗ lực giảm phát thải carbon...
Ngày 13/11, Airbus công bố dự báo thị trường khu vực, trong đó ngành hàng không khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới trong 20 năm tới. Con số này chiếm 46% nhu cầu toàn cầu, dự kiến sẽ đạt khoảng 42.430 máy bay mới vào năm 2043.
Ông Anand Stanley, Chủ tịch Airbus khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết con số này nhấn mạnh sự tăng trưởng liên tục và tầm quan trọng của khu vực trên thị trường hàng không toàn cầu.
Dự báo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, phản ánh mức tăng trưởng 3% theo năm về nhu cầu máy bay mới. Với nhu cầu tăng đột biến này, đội bay của khu vực sẽ tiếp tục mở rộng, được thúc đẩy bởi cả nhu cầu tăng trưởng và nhu cầu thay thế máy bay, với các sáng kiến về tính bền vững ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Airbus dự báo nhu cầu cần 16.000 máy bay một lối đi, ví dụ như các dòng máy bay A220 và A320neo, phục vụ các đường bay ngắn và trung bình của khu vực. Đồng thời, nhu cầu về máy bay tầm xa cỡ trung và cỡ lớn, như A330neo và A350, sẽ đạt tổng cộng gần 3.500 chiếc.
Các đơn đặt hàng máy bay thân rộng đáng chú ý gần đây trong khu vực bao gồm Cathay Pacific (A330neo), cũng như EVA Air, Japan Airlines và Korean Air (A350), cùng với một số hoạt động đang diễn ra khác dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Airbus ước tính rằng gần 71% số máy bay được bàn giao sẽ hỗ trợ mở rộng đội bay, trong khi 29% sẽ thay thế các mẫu cũ hơn, đóng góp đáng kể vào các nỗ lực giảm phát thải carbon.
Trong đó, thế hệ máy bay thân rộng tiếp theo sẽ mang lại khả năng cải thiện hiệu suất nhiên liệu tức thì 25% và giảm lượng khí thải carbon tương ứng. Những tiến bộ này phản ánh cam kết của Airbus trong việc hỗ trợ mục tiêu giảm thiểu tác động của ngành hàng không đến môi trường.
Trong phân khúc vận chuyển hàng hóa, Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ cần 250 máy bay chở hàng thân rộng mới, chiếm 10% nhu cầu toàn cầu về máy bay chở hàng mới với hiệu quả vượt trội, lượng khí thải CO2 thấp và có tính kinh tế tốt nhất trong phân khúc.
Về lưu lượng hành khách, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,6%. Máy bay thân rộng đóng vai trò then chốt trong sự tăng trưởng này, không chỉ tăng cường kết nối hành khách mà còn hỗ trợ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của khu vực.
Thương mại điện tử và thương mại toàn cầu đang thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa hiệu quả, khiến máy bay thân rộng trở thành một phần không thể thiếu trong việc giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy trên khắp các châu lục.
Theo ông Anand Stanley, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng đáng kể trong hai thập kỷ tới.
"Với nhu cầu ngày càng tăng đối với cả hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa, Airbus cam kết giúp các đối tác hàng không đạt được các mục tiêu dài hạn bằng những chiếc máy bay hiệu quả, bền vững và tiên tiến nhất hiện có, đồng thời đóng góp vào các nỗ lực giảm phát thải carbon của toàn ngành", ông Anand Stanley cho biết.