Nỗ lực giảm rác thải nhựa trong cộng đồng

HNN - Thời gian qua, thành phố đang tập trung các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần, bảo vệ môi trường sống và cải thiện chất lượng đô thị. Thông qua Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA), nhiều mô hình giảm nhựa được triển khai, nhân rộng ở các địa phương và từng bước nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.

 Mô hình "Trường học giảm nhựa" đã thu gom gần 30 tấn phế liệu, trong đó có hơn 5,5 tấn rác thải nhựa

Mô hình "Trường học giảm nhựa" đã thu gom gần 30 tấn phế liệu, trong đó có hơn 5,5 tấn rác thải nhựa

Mô hình hiệu quả

Với sự hỗ trợ của Dự án TVA và chính quyền địa phương, 6 cơ sở du lịch dịch vụ tại Phú An (nay là phường Mỹ Thượng) đã cam kết “bắt tay” thực hiện các giải pháp giảm nhựa trong hoạt động kinh doanh. Các cơ sở du lịch dịch vụ đã triển khai thực hành giảm nhựa thông qua việc chai nhựa dùng một lần được các nhà hàng, homestay thay thế bằng bình thủy tinh có thể tái sử dụng và thân thiện với môi trường. Triển khai sử dụng hộp đựng thực phẩm inox bền chắc, góp phần giảm túi nilon và rác nhựa.

Tại homestay, lọ sứ đựng dầu gội và sữa tắm đã được lắp đặt thay cho đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động lưu trú. Một điểm tiếp nước miễn phí được bố trí để phục vụ khách du lịch, giảm thiểu tối đa chai nước nhựa trong mỗi hành trình. Đi cùng với đó là hệ thống bảng hiệu truyền thông, thùng rác phân loại tại nguồn… của các cơ sở. Về với đầm Chuồn, du khách không chỉ được thưởng thức cảnh sắc vùng đầm phá và khám phá đời sống bản địa, mà còn được giới thiệu trực tiếp về những nỗ lực giảm nhựa tại 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ mà địa phương đã cam kết.

Ông Phan Việt, chủ cơ sở nhà hàng đầm Chuồn An Phú cho biết, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Dự án TVA và sự đồng hành của chính quyền địa phương, cơ sở đã cam kết thực hiện các giải pháp giảm rác nhựa, tích cực giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại cơ sở kinh doanh. Nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa thông qua việc vận động, đào tạo nhân viên về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi sự tham gia và thuyết phục du khách giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, Dự án TVA cũng đã triển khai mô hình “Trường học giảm nhựa” trên địa bàn thành phố. Mô hình thu hút sự tham gia của 180 trường học với hơn 54.000 học sinh, trong đó có 83 trường là mô hình điểm, thu gom gần 30 tấn phế liệu trong đó có hơn 5,5 tấn nhựa, góp phần tạo nên những thay đổi bền vững trong nhận thức và hành vi về rác thải nhựa trong môi trường giáo dục.

Ngoài ra, mô hình “Trường học giảm nhựa đã hỗ trợ 117 “Ngôi nhà xanh” thu gom rác tái chế; gần 6.200 học sinh được tiếp cận, tuyên truyền giảm nhựa, góp phần giúp các trường giảm thiểu hơn 660kg nhựa dùng một lần mỗi tháng. Kho tư liệu giáo dục được xây dựng với 54 bài giảng mẫu, 161 bài dự thi giáo án điện tử, cùng hơn 600 tiết học lồng ghép chủ đề rác thải nhựa vào chương trình giảng dạy.

Lan tỏa trong cộng đồng

Theo UBND phường Mỹ Thượng, được sự hỗ trợ từ Dự án TVA, năm 2025, mô hình điểm sinh thái đầm Chuồn giảm nhựa được triển khai tại địa phương, với mục tiêu giảm ít nhất 50% sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động du lịch bị thất thoát ra môi trường. 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các đối tác liên quan được tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về giảm rác thải nhựa. Đến năm 2028, xây dựng đầm Chuồn thành điểm du lịch sinh thái không rác thải nhựa, góp phần bảo vệ và gìn giữ cảnh quan đặc sắc của hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Mô hình xây dựng điểm du lịch sinh thái đầm Chuồn giảm nhựa phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững. Để mô hình này thành công và có sức lan tỏa, ngoài cần sự kiên trì thực hiện các cam kết của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại điểm đến, còn cần sự chung tay của các đơn vị kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, du khách và sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương.

Đến nay, mô hình “Trường học giảm nhựa” tiếp tục được mở rộng ra các địa phương lân cận với sự tham gia của 90 trường, trong đó có 31 trường học làm mô hình điểm và hơn 16.000 học sinh tham gia. Nửa đầu năm 2025, hơn 120 hoạt động giảm nhựa đã được tổ chức, bao gồm hội thảo, tập huấn, các tiết học mẫu, hoạt động truyền thông, kiểm toán rác và 31 ngày hội sống xanh, thu hút đông đảo học sinh và giáo viên hưởng ứng.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án TVA nhấn mạnh, Dự án TVA đề xuất các trường học tham gia mô hình tiếp tục duy trì các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về phân loại rác và giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần. Theo dõi, đánh giá và có hình thức khen thưởng đối với học sinh có thành tích tốt trong phân loại rác và giảm sử dụng đồ nhựa. Đồng thời, tiếp tục tận dụng nguồn lực bên ngoài hoặc một phần kinh phí của nhà trường cho nhiệm vụ phân loại rác, giảm rác thải nhựa để xây dựng trường học xanh, sạch, không rác thải nhựa.

Sau khi đánh giá hiệu quả Dự án TVA từ năm 2021 - 2024, đầu năm 2025, UBND thành phố có quyết định phê duyệt tiếp nhận viện trợ không hoàn lại thuộc dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam năm 2025” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tài trợ, với tổng vốn dự án hơn 22 tỷ đồng.

Dự án TVA được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND thành phố Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2025. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, thực hiện trong 5 năm, từ năm 2021 - 2025.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/no-luc-giam-rac-thai-nhua-trong-cong-dong-155981.html