Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy vào mùa mưa bão

Hằng năm, vào mùa mưa bão xảy ra nhiều vụ mất an toàn giao thông đường thủy. Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy, ngay từ đầu mùa mưa bão, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Thanh Hóa xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Thanh Hóa xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Mùa mưa bão bắt đầu chính là lúc tiềm ẩn thêm nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Nhận thức rõ điều đó, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Từ đầu tháng 7/2023, Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đã có văn bản về việc tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong mùa mưa bão năm 2023. Theo đó, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Tây Ninh đã chủ trì, xây dựng các chương trình kiểm tra, phối hợp kiểm tra tại các bến thủy nội địa trên địa bàn; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định pháp luật; nâng cao tính chủ động trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trong hoạt động khai thác bến thủy nội địa trên địa bàn vào mùa mưa bão 2023.

Thực hiện chỉ đạo nói trên, tháng 8/2023, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 3 đợt kiểm tra trên địa bàn các huyện, thị xã: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Châu Thành, Trảng Bàng, Bến Cầu. Các tổ công tác đã kiểm tra 21 bến thủy nội địa; kiểm tra 63 phương tiện thủy nội địa. Qua công tác kiểm tra, đa số bến thủy nội địa và người điều khiển phương tiện thủy nội địa chấp hành tốt các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Cùng với đó, các tổ công tác đã tuyên truyền, nhắc nhở các chủ bến thủy nội địa khai thác bến đảm bảo trật tự an toàn giao thông, duy trì các điều kiện hoạt động của bến thủy nội địa theo quy định; thường xuyên kiểm tra bờ kè phòng, chống sạt lở bờ sông, rạch..., cập nhật thông tin thời tiết, thủy văn, thông tin xả lũ hồ Dầu Tiếng để có phương án bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa lũ năm 2023, nhất là tại các bến khách ngang sông.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, hiện nay có khoảng 2.000km sông, kênh, 1.600 phương tiện đường thủy nội địa đang hoạt động. Nhằm chủ động các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy vào mùa mưa bão, ngay từ giữa năm 2023, Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng có liên quan của tỉnh và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông đường thủy nội địa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người sinh sống trên sông nước và chủ các phương tiện vận chuyển hành khách qua sông; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao cứu sinh", không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các lỗi như: Phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phương tiện thủy hoán cải, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định; sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, thuyền viên, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ theo quy định, không mặc áo phao khi đi phà, đò... Chỉ tính trong 3 tháng gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và lập biên bản 63 trường hợp vi phạm, tạm giữ 11 phương tiện với số tiền phạt trên 300 triệu đồng.

Còn theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình, địa phương này hiện có 27 bến đò ngang, 44 đò chở khách ngang sông; 9 bến du lịch với 2.597 thuyền chở khách tham quan, du lịch trên sông; 15 cảng thủy nội địa, 30 bến hàng hóa; 7 cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy và 19 hộ với 64 nhân khẩu mặt nước. Xác định là địa bàn có hoạt động giao thông đường thủy sôi động, dễ phát sinh yêu tố phức tạp, thời gian qua, Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình an ninh trật tự. Qua đó, đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật về giao thông và tệ nạn xã hội trên các tuyến đường thủy nội địa.

Hằng năm, Công an tỉnh Ninh Bình còn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự trên các tuyến đường thủy trước, trong và sau mùa mưa lũ, các dịp lễ hội trên sông; phản ánh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý vi phạm, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa của các lực lượng chức năng tại địa phương. Đồng thời, in, phát hàng nghìn tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông đường thủy tại các xóm vạn chài, doanh nghiệp hoạt động vận tải thủy, khu vực ven sông, bến đò, bến đò, bến phà, cầu phao và trên các phương tiện tham gia vận tải thủy...

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương ở cơ sở thành lập các tổ công tác liên ngành, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến hoạt động đường thủy tại các cảng, bến thủy nội địa, cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi phương tiện thủy, các bến thuyền chở khách ngang sông... Tổ chức khảo sát trên các phao tiêu, biển báo hiệu, chướng ngại vật, điểm đen trên địa bàn quản lý, qua đó, đề xuất cấp trên có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Ngoài ra, các lực lượng chuyên trách tại địa phương còn triển khai hiệu quả các phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và “Phòng, chống đuối nước trẻ em”; xây dựng “Cụm giáp ranh an toàn” giao giữa 5 xã ven sông Đáy thuộc huyện Yên Khánh (Ninh Bình) và 5 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)..., bước đầu đã mang lại hiệu quả thiệt thực; vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trên tuyến sông Đáy; xây dựng các tổ tự quản tàu thuyền an toàn...

Tuấn Khang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-giam-thieu-tai-nan-giao-thong-duong-thuy-vao-mua-mua-bao-post467667.html