Nỗ lực giáo dục giúp trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội
ĐBP - Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi ngày Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HTPTGDHN) tỉnh lại đón vài chục cháu nhỏ khuyết tật đến học tập, rèn các kỹ năng nói, nhận biết xung quanh, học kỹ năng sống… để sớm hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Ðược biết, Trung tâm là địa chỉ giáo dục, chăm sóc cho trẻ khuyết tật, nhất là trẻ mắc hội chứng tự kỷ đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Giờ học của cô và trò lớp Mầm non, Trung tâm HTPTGDHN tỉnh.
Trước đây trên địa bàn tỉnh không có cơ sở can thiệp cho trẻ bị tự kỷ, các gia đình đều phải đưa con xuống Hà Nội can thiệp, rất vất vả và tốn kém. Từ khi Trung tâm HTPTGDHN tỉnh thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2019 đã nhóm lên hy vọng cho nhiều gia đình có con mắc hội chứng này sớm được hòa nhập với cộng đồng. Có mặt tại lớp Mầm non - 1 trong 4 lớp của Trung tâm HTPTGDHN tỉnh đang giảng dạy cho các cháu tự kỷ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi tính chất đặc biệt của lớp học này. Ðược xem là lớp “nhẹ nhất”, nhưng việc giảng dạy của các cô giáo không hề đơn giản. Sĩ số của lớp chỉ bằng 1/3 so với lớp mầm non bình thường nhưng ngay việc cho các em ngồi ngay ngắn trên ghế đã là cả một nỗ lực của giáo viên. Em thì hò hét, em thì ngồi sụt sịt khóc, thậm chí còn có em vùng vẫy khỏi vòng tay cô giáo đòi xông ra ngoài… Thế nhưng tất cả các em đều đáng thương hơn là đáng giận. Bởi theo Giám đốc Trung tâm HTPTGDHN tỉnh Mai Thị Hồng Nhung thì đa phần trẻ tự kỷ thường chậm về ngôn ngữ, khó khăn trong giao tiếp, không tập trung, không kiểm soát được hành vi và dễ nổi nóng… Cũng theo chia sẻ của cô Nhung, chúng tôi hiểu thêm phần nào về hội chứng tự kỷ - dạng tật đang có xu hướng tăng cao ở Ðiện Biên. Theo nhiều nghiên cứu, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường trước 3 tuổi. Trẻ mắc chứng tự kỷ ít có sự giao tiếp, tương tác xã hội nên các mối quan hệ và các mặt tâm lý và xã hội đều hạn chế. Trước kia người ta quan niệm trẻ tự kỷ do cha mẹ ít quan tâm, nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy yếu tố bẩm sinh như gen, di truyền, môi trường rất quan trọng. Hiện vẫn chưa có một phương thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn tự kỷ, nhưng nếu được phát hiện, can thiệp sớm đúng cách, trẻ bị tự kỷ sẽ có cơ hội tiến bộ rất cao. Các em có thể đi học, sống độc lập, hòa nhập trở lại mà không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Trung tâm hiện đang sử dụng 2 phương pháp đánh giá DENVER và PEP-R để khám sàng lọc cho trẻ dưới 6 tuổi và đánh giá mức độ phát triển của trẻ. Ðầu năm học Trung tâm đã tổ chức khám đánh giá các trẻ đang theo học tại Trung tâm để có cơ sở phân lớp, xây dựng chương trình giáo dục và chương trình can thiệp cá nhân cho trẻ trong năm học 2020 - 2021, đồng thời tiến hành khám sàng lọc cho các trẻ đăng ký vào học tại Trung tâm năm học 2020 - 2021. Trung tâm hiện đang có 4 lớp với 41 trẻ mắc các hội chứng tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ; trong đó phần đa là các trẻ mắc hội chứng tự kỷ. 4 lớp này bao gồm: Lớp Kỹ năng tập trung vào điều hòa cảm giác, tăng khả năng vận động cho trẻ; lớp Tiền học đường tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và kỹ năng xã hội; 2 lớp Mầm non tăng khả năng ngôn ngữ, nhận thức. Trung tâm đang áp dụng phương pháp TEACCH - là chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ và khó khăn về giao tiếp; đồng thời, bám sát chương trình mầm non, tiểu học có giảm tải.
Với những cố gắng và nỗ lực ban đầu, thầy trò Trung tâm đã và đang có những tiến bộ nhất định. Qua đánh giá của nhiều phụ huynh đều thấy rằng sau khi theo học tại Trung tâm, những hạn chế của các em dần được cải thiện rõ rệt. Em chậm nói được can thiệp để học nói, em không biết tự xúc cơm ăn cũng đã được hỗ trợ để tự xúc… Ðặc biệt là đã có 2 em được chuyển ra học hòa nhập. Một trong số đó là em P.B.A, gần 4 tuổi mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý trước khi đến với Trung tâm. Qua 3 tháng được các cô giáo chăm sóc, can thiệp bằng các đồ dùng hỗ trợ cộng với chương trình mầm non giảm tải, P.B.A đã có nhiều tiến bộ, giảm tăng động, tăng khả năng giao tiếp, tăng nhận thức và đã có thể đi học ở trường mầm non bình thường. Dẫu vậy, các cô giáo của Trung tâm vẫn đang tiến hành hỗ trợ can thiệp cá nhân để P.B.A có thể hòa nhập tốt hơn… Một trường hợp khác là bạn B.N.T.Ð, đã 9 tuổi nhưng chậm phát triển trí tuệ. Với trường hợp này các cô giáo ở Trung tâm cũng rất kỳ công xây dựng giáo án và có những phương pháp đặc biệt để can thiệp. Nhờ vậy, dù là chậm hơn các bạn nhưng B.N.T.Ð đã có rất nhiều tiến bộ và có khả năng ra học hòa nhập.
Sẽ phải cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể đánh giá được những kết quả của việc giáo dục trẻ tự kỷ bởi đây là cả một quá trình không đơn giản, cần có sự tác động kiên trì, tâm huyết từ giáo viên, cha mẹ và những người thân xung quanh trẻ. Nhưng qua những tín hiệu ban đầu tại Trung tâm HTPTGDHN tỉnh, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai không xa, những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể trở lại hòa đồng với cuộc sống xã hội một cách bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa.