Nỗ lực giữ việc làm cho người lao động

Dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương vẫn xoay xở tìm đơn hàng nhằm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương cho biết từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực may mặc, giày da, gỗ... đang "gồng mình" để giữ chân người lao động (NLĐ). Có những doanh nghiệp (DN) đơn hàng giảm từ 40%-60%, trong khi số lượng lao động lớn khiến áp lực bảo đảm việc làm và tiền lương càng đè nặng.

Công việc ngày càng ít đi

Đại diện Công ty TNHH Đại Hoa - chuyên gia công giày xuất khẩu (TP Tân Uyên) - cho biết từ đầu năm đến nay, công ty mất hơn 40% đơn hàng, vì thế NLĐ phải nghỉ luân phiên, 1 tuần chỉ làm từ 3-5 ngày. Những lao động hết hợp đồng lao động sẽ không được tái ký.

"Chúng tôi kỳ vọng từ quý II/2023 đơn hàng sẽ khởi sắc hơn, nên vẫn cố gắng duy trì việc làm để giữ chân NLĐ. Tuy nhiên, đã bước sang quý III nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn, đơn hàng tiếp tục sụt giảm. Vì thế, công ty buộc phải không tái ký với số công nhân (CN) đã hết hạn hợp đồng lao động" - người đại diện này cho hay.

Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới để ổn định việc làm cho công nhân

Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới để ổn định việc làm cho công nhân

Hiện số lao động tại nhà máy đã giảm từ 1.700 còn khoảng 1.100 người. Ngoài số lao động không được tái ký HĐLĐ, còn nhiều trường hợp nghỉ việc do ít việc làm, thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng của Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (chuyên gia công và sản xuất giày, dép ở TP Dĩ An) giảm tới 60%-70%. Tình hình này khiến CN chỉ làm việc 3 ngày/tuần. Trong khi trước đó, CN tăng ca nhiều, thu nhập cũng cao, việc tuyển dụng cũng thường xuyên và dễ dàng.

Bà Vương Ngọc Lan, phụ trách nhân sự công ty, cho biết ngay cả việc giữ lại CN có tay nghề cũng rất khó, bởi thu nhập thấp nên một số người sẽ chọn cách ra đi. "Từ 3.000 CN, chi nhánh Bình Dương nay đã giảm còn 900 CN, một phần do cắt giảm, phần còn lại là CN tự bỏ việc. Còn tất cả các nhà máy thì giảm khoảng từ 30%-40% nhân sự" - bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, hiện nay khó khăn chung nên không chỉ xuất khẩu không có đơn hàng mà ngay cả hàng nội địa của công ty cũng bán rất chậm, sức mua kém. Để giữ chân lao động, công ty đang xoay xở đủ cách. "Đa phần lao động của công ty có tay nghề cao, mất người nào là tiếc người đó. Do vậy, ban giám đốc đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để khai thác đơn hàng" - bà Lan khẳng định.

Nỗ lực vượt khó

Tiếp xúc với chúng tôi, những CN lớn tuổi như chị Ngô Thị Kim Hoàng (SN 1967, Công ty TNHH Right Rich, TP Thủ Dầu Một) cho biết giữ được việc làm trong giai đoạn hiện tại là may mắn.

Chị Hoàng gắn bó với công ty đã hơn 20 năm, dù đã lớn tuổi nhưng chị vẫn cố gắng bảo đảm ngày giờ công dù việc làm không được như trước. "Công ty chưa thông báo sẽ cắt giảm lao động nhưng anh chị em CN ai cũng lo, nhất là CN lớn tuổi như tôi. Mất việc làm trong giai đoạn này rất khó xin việc. Giờ cứ ráng được ngày nào hay ngày đó, thu nhập có ít cũng chẳng sao" - chị Hoàng cho hay.

Thay vì an phận, vợ chồng chị Đặng Kiều Nhi, CN Công ty TNHH Right Rich, lại tìm cách cải thiện thu nhập bằng việc nhận sửa áo quần. Với kinh nghiệm hơn chục năm làm ở bộ phận may, chị Nhi khá thuần thục với công việc này. "Trước đây, công ty còn tăng ca thì thu nhập anh em CN rất khá. Nay việc ít nên CN phải về sớm, thậm chí nghỉ ngày thứ bảy, nên mình phải kiếm việc làm thêm để ngoài có tiền trang trải cuộc sống còn tiết kiệm một khoản phòng khi hữu sự" - chị Nhi kể.

Sát cánh cùng CN, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã đồng loạt tổ chức nhiều chương trình chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên - lao động như: thăm hỏi, động viên CN ở trọ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăm, bị bệnh hiểm nghèo; tổ chức các phiên chợ phúc lợi Công đoàn; các Công đoàn cơ sở trực thuộc cũng đẩy mạnh các hoạt động nâng cao phúc lợi cho đoàn viên - lao động như: bán hàng giảm giá, tặng mái ấm Công đoàn cho CN khó khăn về chỗ ở.

TP HCM tăng cường hỗ trợ lao động mất việc

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM vừa có công văn đề nghị các DN, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế có nhu cầu tuyển dụng gửi thông tin để trung tâm tổng hợp, kết nối miễn phí cho NLĐ trong các phiên kết nối việc làm trực tiếp khi thị trường lao động tại thành phố đang đối mặt những thách thức lớn. Hiện nhiều DN gặp khó khăn về đơn hàng sản xuất khiến công việc của NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, chính quyền thành phố xác định cần phải tăng cường các hoạt động kết nối việc làm, đặc biệt là hỗ trợ NLĐ bị cắt giảm việc làm có được công việc mới, sớm ổn định cuộc sống. Các DN, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng gửi thông tin cho Phòng Giới thiệu việc làm - thị trường lao động của trung tâm và được kết nối để tuyển dụng hoàn toàn miễn phí.

Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết vẫn đang theo dõi sát sao tình hình của các DN để có biện pháp hỗ trợ đơn vị và NLĐ kịp thời. Ngoài đẩy mạnh các phiên, sàn giao dịch việc làm để kết nối cung cầu lao động, Sở LĐ-TB-XH thành phố sẽ tổ chức đối thoại với DN để tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hỗ trợ, tham vấn chính sách pháp luật lao động, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho NLĐ.

G.Nam

Bài và ảnh: THẢO NGUYỄN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/no-luc-giu-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-20230611203248727.htm