Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản: Việt Nam cơ bản đáp ứng các khuyến nghị của EC

Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản, đại diện Cục Thủy sản cho biết Việt Nam đã hoàn thiện thể chế, cơ bản phù hợp quy định quốc tế, đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Vũ Duyên Hải - Trưởng phòng khai thác thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết với quyết tâm gỡ "thẻ vàng" thủy sản, thời gian qua, các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đến nay, Việt Nam đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 28.605 chiếc tàu cá (đạt 98,2%); hoàn thiện thể chế, cơ bản phù hợp quy định quốc tế, đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Đáp ứng các khuyến nghị của EC

Tại Hội nghị “Cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 4/2024,” do Cục Thông tin đối ngoại phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tổ chức ngày 11/4, ông Vũ Duyên Hải cho biết để tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản, EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam. Đó là hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thực hiện theo khuyến nghị trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ ngày 4/4/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 5/4/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó quy định hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU.

Đến nay, theo ông Hải, khung pháp lý của Việt Nam đã được hoàn thiện, cơ bản phù hợp quy định quốc tế, đáp ứng các khuyến nghị của EC.

Đơn cử như kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu bằng tàu container; xử phạt tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác trên biển mà không có văn bản chấp thuận (trừ trường hợp bất khả kháng); được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Về giám sát hoạt động khai thác, ông Hải cho biết hiện có trên 28.605 chiếc tàu cá đã được lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 98,2%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã lập danh sách và giao các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu của các tàu không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, kiên quyết không để các tàu này tham gia hoạt động; hàng tuần cập nhật danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU để các cơ quan chức năng, cảng cá theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định…

Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA). Các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa phát hiện lỗi nghiêm trọng trong truy xuất nguồn gốc thủy sản.

 Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Về công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính, ông Hải cho biết ngành thủy sản đã đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để các cơ quan chức năng nhập liệu, theo dõi, đánh giá các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm quy định mất kết nối VMS.

Triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU

Ông Vũ Duyên Hải cũng cho biết dự kiến tới đây, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam, tiến hành đợt kiểm tra lần thứ 5 về việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU (hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).

Đợt thanh tra lần thứ 5 tới được xem thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Do đó, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương liên quan của Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực chất trong công tác chống khai thác IUU, với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” sau lần thanh tra này.

Trước đó, trong lần kiểm tra thứ 4 (tháng 10/2023), Đoàn thanh tra EC ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam khi các khuyến nghị trong lần thanh tra trước đó đã được khắc phục, chuyển biến tích cực.

Theo Cục Thủy sản, kể từ lần thanh tra thứ 4 của EC về IUU đến nay, tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục các khuyến nghị của EC. “Trong đó một số tỉnh làm tốt có thể kể đến như Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang…,” ông Hải nhấn mạnh.

Các nhiệm vụ, giải pháp mà các địa phương đang triển khai như: Quản lý tốt đội tàu, duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình, quản lý tốt sản lượng hải sản qua cảng; thực hiện rà soát, lập danh sách cảng cá, bến cá; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật chống khai thác IUU cho cộng đồng ngư dân, nhất là nâng cao nhận thức của chủ tàu cá, thuyền trưởng không vi phạm khai thác IUU; cho ngư dân ký cam kết không vi phạm các quy định khi đánh bắt trên biển…

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ cấu lại đội tàu theo chủ trương khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/no-luc-go-the-vang-thuy-san-viet-nam-co-ban-dap-ung-cac-khuyen-nghi-cua-ec-post939709.vnp