Nỗ lực 'hạ nhiệt' giá cước vận tải biển

Trong bối cảnh cước vận tải biển chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt', cùng với đó là tình trạng thiếu tàu biển và container rỗng, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Cước vận tải biển chưa "hạ nhiệt"

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) theo nhiều cách. Chi phí vận chuyển tăng lên làm tăng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá bán cuối cùng của sản phẩm. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, sự gia tăng giá cước còn gây ra những áp lực về quản lý hàng tồn kho và thời gian giao hàng. Các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng trì hoãn và chi phí phát sinh do phải điều chỉnh lịch vận chuyển để tránh các đợt tăng giá cao nhất vào mùa cao điểm.

Trong báo cáo hàng tuần mới nhất, hãng tư vấn vận tải biển Linerlytica (Hồng Kông) cảnh báo, cước vận tải biển có thể đã lập đỉnh. Bằng chứng rõ ràng này cho thấy điều này là giá cước trên các thị trường tương lai giảm trong tuần qua.

Chỉ số giá container thế giới của Drewry (WCI), vốn đã chứng kiến mức tăng phần trăm hàng tuần ở mức hai con số gần đây, chỉ tăng 1% so với tuần trước vào ngày 11/7 ở mức 5.901 USD mỗi FEU.

Trong khi đó, chỉ số cước vận tải container Thượng Hải (SCFI) đã giảm 1% xuống 3674,86 điểm vào ngày 12/7 so với mức của ngày 5/7.

Theo hãng tư vấn vận tải biển Linerlytica, giá cước vẫn ở mức cao cho đến cuối mùa vận chuyển container cao điểm, có thể kéo dài đến tháng 9.

Theo hãng tư vấn vận tải biển Linerlytica, giá cước vẫn ở mức cao cho đến cuối mùa vận chuyển container cao điểm, có thể kéo dài đến tháng 9.

Công ty tư vấn Drewry World nhận định, mặc dù giá cước vận tải container giao ngay đang ở mức cực kỳ cao, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất được thấy trong đại dịch COVID-19. WCI của Drewry thấp hơn khoảng 43% so với mức đỉnh 10.377 USD mỗi FEU vào tháng 9/2021. Nhìn chung, các nhà phân tích cho rằng giá cước khó có thể đạt mức cao nhất như trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, các dấu hiệu trong tuần này không mấy tích cực khi các cơn bão nghiêm trọng ngoài khơi Nam Phi đã khiến các tàu container quá cảnh qua Mũi Hảo Vọng phải dừng lại để tránh các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ. Con tàu CMA CGM Benjamin Franklin 18.000 TEU đã bị mất 44 container trên biển vào ngày 9/7 khi ở ngoài khơi bờ biển Nam Phi.

Theo dự báo của Drewry, giá cước vận tải sẽ vẫn ở mức cao cho đến cuối mùa cao điểm. Tương tự, theo hãng tư vấn vận tải biển Linerlytica, giá cước vẫn ở mức cao cho đến cuối mùa vận chuyển container cao điểm, có thể kéo dài đến tháng 9.

Bà Emily Stausbøll, nhà phân tích của nền tảng giá cước vận tải biển Xeneta cho rằng, nhiều chủ hàng vẫn đang sẵn sàng trả giá cước cao hơn để bảo đảm có chỗ trên tàu. Do lo ngại tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở châu Á trở nên trầm trọng hơn nên chủ hàng hiện đang chạy đua nhập khẩu sớm. Nhiều hãng vận tải biển cũng đang thuê tàu để tăng thêm công suất với chi phí rất lớn nên cần phải tăng giá cước trong tương lai.

Giải pháp thúc đẩy XNK

Trong bối cảnh giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt Bộ Công Thương có công văn gửi các hiệp hội ngành hàng XNK, các hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam về giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.

Cụ thể, Bộ Công Thương trao đổi thông tin với các hiệp hội và doanh nghiệp để phối hợp, triển khai những nội dung sau:

Về phối hợp giữa các doanh nghiệp XNK và doanh nghiệp dịch vụ logistics: Các hiệp hội ngành hàng XNK làm việc với các hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch XNK hàng hóa làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế: Bên cạnh tuyến đường đường biển hiện tại, doanh nghiệp XNK với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.

Tăng cường tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA): Các hiệp hội ngành hàng XNK phối hợp với Bộ Công Thương, VCCI và các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến cho các doanh nghiệp XNK về các quy định của FTA nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.

Giải quyết hàng hóa XNK tồn đọng: Các doanh nghiệp XNK phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng.

Hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các hiệp hội ngành hàng phối hợp với VCCI Việt Nam tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của doanh nghiệp XNK nhỏ và vừa trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hóa đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao.

Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh: Các hiệp hội và doanh nghiệp XNK chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có thư gửi ông Turgut Erkeskin - Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA), trong đó đề nghị FIATA hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng.

Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch FIATA đề xuất giải pháp của FIATA cho vấn đề có tính toàn cầu này. Chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng.

Bộ trưởng Công Thương đề nghị ông Turgut Erkeskin hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu.

Đồng thời ủy quyền cho các tổ chức Việt Nam tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ FIATA để góp phần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cao.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/no-luc-ha-nhiet-gia-cuoc-van-tai-bien-/20240721032346991