Nỗ lực hạ nhiệt lạm phát khắp thế giới

Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên trên 7%

Cơn sốt giá cả leo thang ở Mỹ và một phần châu Âu vài tháng trước đã lan đến châu Á, nơi giá lương thực và năng lượng đang tăng. Theo tờ The New York Times, các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nước không khỏi bất ngờ trước tình trạng lạm phát cao kéo dài.

Giá cả được kỳ vọng sẽ bớt tăng khi các nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19 nhưng giá năng lượng, thực phẩm vẫn tăng, từ đó thúc đẩy lạm phát leo thang trên thế giới.

Giờ đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine càng khiến sức ép lạm phát thêm tăng bởi nỗi lo thiếu nguồn cung năng lượng từ Moscow và hoạt động sản xuất lương thực bị gián đoạn trong lúc chuỗi cung ứng tiếp tục đối mặt các thách thức liên quan đến dịch bệnh...

Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), khoảng 60% nền kinh tế phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên cao hơn 5%. Con số 60% là tỉ lệ cao nhất kể từ thập niên 1980 và đang là cơn đau đầu của các ngân hàng trung ương vốn thường đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Trong khi đó, hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỉ lệ lạm phát thường niên trên 7%.

Một ngôi chợ ở thủ đô Buenos Aires - Argentina hôm 12-4. Argentina đang chứng kiến lạm phát tăng cao chưa từng có trong nhiều năm qua Ảnh: REUTERS

Một ngôi chợ ở thủ đô Buenos Aires - Argentina hôm 12-4. Argentina đang chứng kiến lạm phát tăng cao chưa từng có trong nhiều năm qua Ảnh: REUTERS

Tại châu Á, lạm phát ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc... gần đây tăng mạnh hơn dự báo. Ngay cả tại Nhật Bản, quốc gia từng đối phó tỉ lệ lạm phát cực thấp hoặc vấn đề giảm phát trong nhiều thập kỷ qua, dấu hiệu giá cả tăng cao cũng xuất hiện. Một khảo sát của chính phủ Nhật cho thấy lạm phát có thể đạt 2,7% trong tháng 3-2022, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Theo Yonhap, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hôm 14-4 đã tăng lãi suất cơ bản lên 1,5% (mức cao nhất trong khoảng 3 năm qua) nhằm kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá dầu và các mặt hàng chính tăng cao.

Đây cũng là đợt tăng lãi suất thứ 4 của BoK kể từ tháng 8-2021. Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản trong những tháng tới để hạn chế lạm phát và nợ hộ gia đình bất chấp những lo ngại rằng việc tăng lãi suất quá mức có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.

Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc trong tháng 3 vừa qua tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng nhanh nhất trong hơn 10 năm qua. Trong dự báo mới nhất của BoK hồi tháng 2-2022, giá tiêu dùng tại Hàn Quốc năm nay sẽ tăng 3,1% so với năm 2021.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) có bước đi nhằm củng cố giá trị đồng SGD trong nỗ lực đối phó tình trạng giá cả leo thang. Đây là lần thứ 3 Singapore sử dụng tỉ giá hối đoái của đồng SGD như một công cụ để ổn định giá cả kể từ tháng 10-2021.

Theo đài CNBC, MAS quản lý chính sách tiền tệ thông qua thiết lập tỉ giá hối đoái, thay vì lãi suất, do dòng chảy thương mại có quy mô lớn hơn nhiều so với nền kinh tế nước này. Nhân dịp này, theo báo The Straits Times, MAS cũng nâng dự báo lạm phát trong năm nay lên 4,5%-5,5%, so với mức 2,5%-3,5% đưa ra trước đó.

MAS giải thích lạm phát tăng hơn dự kiến do giá hàng hóa toàn cầu tăng kể từ cuối tháng 2 và chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19 (ý nói đến các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc).

Trước đó, Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) hôm 13-4 đã tăng lãi suất chủ chốt lên 1,5%. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp mà RBNZ cho là cần thiết để kiềm chế lạm phát đang gia tăng tại New Zealand.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cũng quyết định tăng lãi suất chủ chốt từ 0,5% lên 1% nhằm đối phó lạm phát. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm qua và BoC cam kết sẽ có thêm bước đi tương tự, nếu cần.

BoC cũng nâng dự báo về lạm phát trong năm nay từ 4,2% lên 5,3% sau khi cho rằng khủng hoảng ở Ukraine làm tăng giá cả hàng hóa, chi phí nhiên liệu và khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng.

Theo trang Bloomberg, nhiều ngân hàng trung ương khác được kỳ vọng tiếp tục có những động thái mạnh mẽ để giúp hạ nhiệt "cơn sốt" lạm phát. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tháng 5 và tháng 6 sau khi đã có động thái này hồi tháng 3. Đây là lần đầu tiên FED tăng lãi suất kể từ năm 2018.

Nỗi lo của Trung Quốc

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trong ngày 15-4 dự kiến có lần cắt giảm lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn (MLF), cũng như giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong vài ngày sau đó để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu sức ép từ biện pháp phong tỏa phòng chống dịch Covid-19. Theo trang Bloomberg, Ngân hàng Citigroup (Mỹ) nhận định bước đi giảm RRR sẽ được xác nhận sớm nhất là vào ngày 15-4, từ đó bơm 1.200 tỉ nhân dân tệ (hơn 188 tỉ USD) vào nền kinh tế Trung Quốc.

Lần gần đây nhất PBOC cắt giảm lãi suất của MLF là hồi tháng 1-2022. Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn ING (Hà Lan), cho rằng nên xem động thái này là sự hỗ trợ tối thiểu dành cho nền kinh tế. Trước đó, Bắc Kinh đã cam kết có thêm các gói kích thích tài chính và tiền tệ để thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% năm 2022 ngày càng khó đạt được. Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 13-4 thông báo sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Theo Bloomberg, bước đi nới lỏng chính sách tiền tệ của PBOC hoàn toàn trái ngược với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cơ quan này này gần đây đã tăng lãi suất nhằm đối phó lạm phát gia tăng. Việc FED tăng lãi suất sẽ làm giảm sự hấp dẫn của tài sản Trung Quốc trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy dòng vốn chảy khỏi nước này và gây áp lực lên đồng nhân dân tệ.

Xuân Mai

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/no-luc-ha-nhiet-lam-phat-20220414212459791.htm