Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

Theo Sở LĐ-TB-XH, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 11.128 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 4,05%, giảm 1.918 hộ (0,87%) so với đầu năm.

Các đơn vị tổ chức chương trình Xuân yêu thương 2023 cho trẻ em xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa). Ảnh: KIM CHI

Các đơn vị tổ chức chương trình Xuân yêu thương 2023 cho trẻ em xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa). Ảnh: KIM CHI

Kết quả trên có được là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Người nghèo bớt khó khăn

2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phục hồi và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, song công tác lao động, xã hội, chương trình giảm nghèo đã đạt được những kết quả khả quan.

Tại huyện Sông Hinh, theo kết quả điều tra, rà soát năm 2022, hiện toàn huyện còn 1.839 hộ nghèo, chiếm 13,3%; 2.515 hộ cận nghèo, chiếm 18,2%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 6.051 hộ với 24.870 người, chiếm 47,9% dân số và chiếm 78,5% tổng số hộ nghèo của huyện. Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đều có ý chí vươn lên để phát triển sản xuất, chăn nuôi, thoát nghèo bền vững.

Mí Min ở buôn Chung, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), bộc bạch: “Hàng chục năm làm rẫy, làm thuê nhưng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, không thể thoát nghèo. 4 năm trước, nhờ sự quan tâm của các cấp, tôi được vay vốn để chăn nuôi bò. Hiện nay, đàn bò 9 con của gia đình tôi có 4 con bò mẹ và 5 bê con. Nhờ nuôi bò, tôi đã sửa sang lại nhà cửa, con cái học lên đại học”.

Tại huyện Sơn Hòa, chính sách an sinh xã hội cũng được các cấp, ngành quan tâm, thực hiện hiệu quả. Trước tết Dương lịch 2023, đưa con đến nhà sinh hoạt văn hóa thôn Tổng Binh, xã Sơn Hội để nhận quà trong chương trình thiện nguyện do địa phương phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức, chị Sô Thị Sộp bày tỏ: Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống của gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Tuy vẫn còn là hộ nghèo theo tiêu chí mới, nhưng gia đình tôi đã có 2 con bò cùng 1 sào ruộng để làm ăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Ban CHQS huyện Sông Hinh tặng bò cho hộ nghèo xã Ea Trol. Ảnh: VĂN THÙY

Ban CHQS huyện Sông Hinh tặng bò cho hộ nghèo xã Ea Trol. Ảnh: VĂN THÙY

Theo già làng thôn Tổng Binh So Minh Phúc, đời sống của bà con đồng bào DTTS đã dần ổn định, bớt khó khăn hơn trước rất nhiều. Thôn Tổng Binh có 125 hộ và hộ nào cũng có ruộng để sản xuất, có bò để chăn nuôi, bà con sống rất chan hòa.

Ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người nghèo được hưởng khá nhiều ưu đãi, như được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn học phí, hỗ trợ nhà ở, vốn vay, phương tiện sản xuất, tiền điện, tiền nước… Năm 2022, tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 19.319 người nghèo, 40.231 người thuộc hộ cận nghèo, 30.932 người DTTS và 11.113 người đang sinh sống vùng đặc biệt khó khăn.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cho 1.283 lượt hộ nghèo với gần 59,7 tỉ đồng; 1.943 lượt hộ cận nghèo với gần 92,3 tỉ đồng và 6.822 lượt hộ mới thoát nghèo với hơn 310,7 tỉ đồng. Riêng học sinh sinh viên khó khăn vay 2.541 lượt với gần 28,4 tỉ đồng. Đồng thời hỗ trợ tiền điện cho 12.941 hộ nghèo gần 2,4 tỉ đồng; thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên hàng tháng cho trên 52.000 đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền 250 tỉ đồng.

“Bên cạnh đó, nhiều mô hình sinh kế, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... đã phát huy tác dụng trong thời gian qua như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã nghèo đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đào tạo nghề cho lao động nông thôn...”, ông Lê Đức Tịnh cho biết thêm.

Đảm bảo các quyền của trẻ em

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, tỉnh cũng thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp trẻ em; giảm tỉ lệ trẻ em bị đuối nước; đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em...

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Năm 2022, các chương trình bảo vệ trẻ em đã hỗ trợ phẫu thuật thành công cho hơn 10 trường hợp bị tim bẩm sinh; hỗ trợ phẫu thuật hở khe vòm họng cho nhiều trẻ em gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp, ngành cũng đã phối hợp tổ chức truyền thông thông qua báo chí và truyền thông cộng đồng trực tiếp tại các địa phương trong tỉnh, tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống bạo lực trẻ em...

Công tác quản lý Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngày càng được chú trọng, qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ở các cấp; các quyền của trẻ em được đảm bảo tốt hơn, chế độ chính sách cho trẻ em được thực hiện đầy đủ, chất lượng giáo dục nâng lên…

Chị Nguyễn Thu Hà, 39 tuổi, ở khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa có con trai là Nguyễn Hoàng Duy Khang (2 tuổi) mắc bệnh tim bẩm sinh. Mới đây khi nhận được tin con mình sắp được phẫu thuật miễn phí, chị vui mừng bày tỏ: “Biết đến những đợt khám sàng lọc bệnh tim miễn phí do Sở LĐ-TB-XH tổ chức nên giữa năm 2022, tôi đưa con đi khám và được chỉ định phẫu thuật miễn phí, tôi rất mừng. Mong sao sau phẫu thuật, con tôi sẽ có trái tim khỏe mạnh”.

Giảm nghèo bền vững

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Đức Tịnh khẳng định: Quan tâm, hỗ trợ người nghèo nâng cao đời sống, giảm bớt khó khăn là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là chính sách thường xuyên. Bước sang năm mới 2023, phát huy những thành tích đạt được trong năm qua, toàn ngành tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh chương trình chăm sóc nhằm đạt mục tiêu đưa mức sống các gia đình thuộc diện chính sách có mức sống cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú. Đồng thời tích cực lồng ghép công tác giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chính sách hỗ trợ người nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm về sản xuất và nhà ở cho hộ nghèo chính sách, hộ nghèo người DTTS và hộ nghèo đặc biệt khó khăn; phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo 1,5-2%.

Tỉnh cũng triển khai tốt các chính sách về xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ về giáo dục; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, hoạt động truyền thông giám sát, chính sách hỗ trợ về y tế, nhất là bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội sớm tiếp cận được các dịch vụ cần được trợ giúp, để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/291937/no-luc-hien-thuc-hoa-muc-tieu-phat-trien-ben-vung.html