Nỗ lực hỗ trợ người nghèo cải thiện 6 chiều thiếu hụt
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện miền núi Lục Nam tỉnh Bắc Giang được hỗ trợ, cải thiện các chiều thiếu hụt theo quy định của chuẩn nghèo đa chiều. Không ít hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Thời gian qua, huyện Lục Nam thực hiện đồng bộ các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo. Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận, cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin theo quy định của chuẩn nghèo đa chiều.
Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, toàn huyện đã giảm 2.272 hộ nghèo và hộ cận nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, bằng 63,5% kế hoạch của giai đoạn 2022-2025.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.
Tất cả trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện này đi học đúng độ tuổi. 93,7% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt và vượt chỉ tiêu giao 90%; 98,2% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt và vượt chỉ tiêu giao ít nhất 80%.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, trong 2 năm (2022-2023), huyện Lục Nam đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 430 người lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; năm 2024 tổ chức khai giảng 2 lớp cho 70 người.
Năm 2024, từ nguồn vốn được phân bổ, 25 xã, thị trấn trong huyện Lục Nam lựa chọn 25 dự án phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu của người dân. Trong đó có 20 dự án chăn nuôi gà (gà lai chọi, gà lai Hồ), 3 dự án chăn nuôi bò (bò sinh sản, bò thương phẩm), 1 dự án trồng khoai sọ tía và 1 dự án sử dụng phân bón tổng hợp, phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp.
Trong 556 hộ tham gia các dự án có 183 hộ nghèo, 219 hộ cận nghèo; còn lại là hộ thoát nghèo trong vòng 36 tháng, hộ khuyết tật sinh kế không ổn định và hộ làm kinh tế giỏi.
Chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Trung bình mỗi năm, Lục Nam có gần 500 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.
Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, năm 2021- 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống rõ rệt. Cụ thể năm 2021, toàn huyện có 3.420 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,64%; 2.559 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,22%. Đến năm 2023, số hộ nghèo đã giảm 1.572 hộ, xuống còn 1.848 hộ, chiếm tỷ lệ 3% (giảm 2,64%), có 1.859 hộ cận nghèo (giảm 700 hộ), chiếm tỷ lệ 3,02%. Mục tiêu cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,16%.
Theo đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH huyện, điều quan trọng nhất trong tiến trình thực hiện các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững tại huyện miền núi này là sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Điển hình như hộ gia đình ông Tạ Văn Mạnh thôn Lãng Sơn, xã Đông Hưng. Sau khi được tư vấn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp, gia đình ông đầu tư thêm vốn trồng hơn l ha rừng keo và gần 100 cây bưởi Diễn. Rừng keo phát triển tốt, chỉ hơn 1 năm đã được thu hoạch, lứa bưởi đầu cho năng suất cao. Gia đình ông Mạnh tự nguyện xin thoát nghèo vào đợt rà soát năm 2022.
Năm 2024, huyện Lục Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo về 2,16%. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên; Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo kiến thức trong lao động, sản xuất, sinh kế để chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại.
Cùng đó, huyện tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình đảm bảo đúng quy định, đảm bảo điều kiện bố trí và giải ngân kế hoạch vốn theo từng danh mục dự án đã được phân bổ vốn.