Nỗ lực hoàn tất đàm phán để RCEP được ký kết vào năm 2020 tại Việt Nam
Sáng 23/9, tại TP. Đà Nẵng, phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 28 đã khai mạc. Bên lề sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dành thời gian trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông về nội dung, ý nghĩa của Hiệp định này cũng như nỗ lực của các quốc gia thành viên để Hiệp định có thể ký kết đúng theo mục tiêu kỳ vọng.
Phóng viên (PV): Bộ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và sự tham gia của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
Với 16 quốc gia tham gia đàm phán, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác ở ngoài khu vực (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand), RCEP đã trải qua nhiều cuộc đàm phán phức tạp nhưng đồng thời có rất nhiều ý nghĩa. Đặc biệt, một mục tiêu quan trọng nhất tạo nên ý nghĩa lớn của Hiệp định này là quyết tâm của 16 quốc gia mong muốn sẽ xây dựng được một khu vực thương mại thông qua Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao nhất. Cùng với đó, RCEP sẽ tiếp tục để đóng góp vào cấu trúc mới cho thương mại tự do khu vực này, cũng như đóng góp vào nền tảng hệ thống thương mại đa phương có luật lệ mà đang phải đối mặt với nhiều thách thức của chủ nghĩa mậu dịch.
RCEP một khi được ký kết sẽ là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quy mô lớn nhất thế giới, với tổng GDP chiếm tới 49,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% quy mô dân số thế giới, cũng như đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của khu vực. Tất cả các nước kỳ vọng sẽ hình thành được một FTA toàn diện và có những tiêu chuẩn ở mức độ cao. Chính vì vậy, với việc đàm phán kéo dài trong nhiều năm nay, tất cả các nước thành viên đều mong muốn kết thúc đàm phán ngay trong cuối năm 2019 và ký kết trong năm 2020 để đưa khối thương mại tự do này vào thực tiễn, sớm đóng góp chung cho thế giới và cho từng quốc gia.
PV: Trải qua chặng đường 6 năm trong tiến trình đàm phán Hiệp định RCEP, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng đã và đang gặp không ít thách thức. Theo Bộ trưởng, đâu là những thách thức lớn?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các thách thức trong đàm phán RCEP không chỉ Việt Nam gặp phải mà là thách thức chung của các quốc gia ASEAN và 6 quốc gia đối tác tham gia đàm phán.
Thứ nhất, vì quy mô RCEP rất lớn, xét về khía cạnh GDP của thế giới cũng như đóng góp thị phần trong thương mại toàn cầu, nên khi đàm phán đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các nước để có thể có thỏa thuận thống nhất với nhau nhằm có được FTA thế hệ mới với những đòi hỏi rất cao cả về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và thực hiện theo hướng thuận lợi hóa thương mại, tự do hóa thương mại. Chưa kể đến các chương và nội dung khác như mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như của hợp tác kinh tế… đều hàm chứa những nội dung sẽ có rất nhiều khác biệt cả về trình độ phát triển, mô hình quản lý cũng như các lợi ích cụ thể của mỗi quốc gia trong quá trình đàm phán.
Thứ hai, bản thân 16 quốc gia có mức độ phát triển và tính chất cũng rất khác nhau cả về công nghệ, nguồn lực cũng như năng lực tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, quan hệ giữa các quốc gia đang tham gia đàm phán của hiệp định này rất khác biệt. Rất nhiều nước đã tham gia FTA, đã có những cam kết mở cửa thị trường tạo thuận lợi cho nhau. Nhưng cũng có các nước còn chưa có hoặc nếu có thì còn ở mức độ rất mới, chưa có các hiệp định thương mại mang tính FTA như đã nói ở trên. Chính vì vậy, quá trình đàm phán là quá trình các quốc gia phải tìm ra được những điểm cân bằng cả về lợi ích một nền kinh tế lớn hay một nền kinh tế nhỏ, một nền kinh tế phát triển hay nền kinh tế còn có những khoảng cách trong phát triển so với các quốc gia khác, hay cả những lợi ích ở những khía cạnh liên quan đến trình độ, năng lực phát triển, sở hữu trí tuệ hay doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đây chính là những khó khăn, thách thức rất lớn cho các quốc gia ASEAN và các đối tác.
Thứ 3, trong bối cảnh hiện nay thế giới đang chứng kiến những diễn biến phức tạp, toàn cầu hóa vẫn giữ được đà duy trì phát triển theo nhu cầu và dòng chảy của nó, nhưng cũng đã bộc lộ và xuất hiện nhiều dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đang có xu hướng trỗi dậy ở nhiều khu vực, ở nhiều thời điểm. Chính vì vậy, đây cũng là trở lực trong những nỗ lực chung của tất cả các nước trong tiếp tục thống nhất quan điểm, đảm bảo lợi ích và tìm được ra những con đường để có tiếng nói chung, chia sẻ lợi ích chung để cùng hướng tới thương mại hóa, thuận lợi hóa thương mại, tự do hóa thương mại, đóng góp ở khía cạnh tích cực cho kinh tế toàn cầu.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức Phiên đàm phán chính thức Hiệp định RCEP lần thứ 28 tại Việt Nam?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: RCEP là hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia tham gia đàm phán. Vì vậy, ngay từ đầu, các nhà lãnh đạo cấp cao của 16 quốc gia đã khẳng định mong muốn càng nhanh càng tốt phải đẩy nhanh tiến độ đàm phán và sớm có được những thỏa thuận đã nói để hiệp định sớm được ký kết.
Cuối năm 2018, tại Hội nghị cấp cao các Nhà lãnh đạo ASEAN tại Singapore vào tháng 11 đã khẳng định mục tiêu phải nỗ lực làm sao để cuối năm 2019 phải kết thúc được các cuộc đàm phán kỹ thuật và các nội dung trong đàm phán để đến năm 2020 là có thể ký kết được hiệp định này.
Trong năm 2019, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của đoàn đàm phán chính phủ cũng như đoàn đàm phán của các nước trong RCEP. Mới đây, các Bộ trưởng cũng rất hoan nghênh việc hoàn tất đàm phán các Phụ lục Dịch vụ Viễn thông, Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ chuyên môn của Chương Thương mại dịch vụ, nâng tổng số các nội dung đã kết thúc đàm phán là 7 Chương và 3 Phụ lục. Điều này cho thấy, các nước đều đồng lòng hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2019. Có thể nói, đàm phán đang đi vào giai đoạn cuối cùng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các nước để có thể kết thúc đàm phán.
Tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 7 ngày 8/9/2019 tại Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng các nước RCEP đã thống nhất chỉ đạo các đoàn đàm phán nỗ lực tối đa nhằm kết thúc đàm phán Hiệp định tại Phiên đàm phán thứ 28 tại Đà Nẵng. Đây là Phiên đàm phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm xử lý nốt những vấn đề vướng mắc kỹ thuật cuối cùng trước khi các Nhà Lãnh đạo gặp nhau vào tháng 10 năm nay.
Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn với góc độ vừa là quốc gia thành viên có trách nhiệm của ASEAN trong chủ động phối hợp với các nước ASEAN để có những nỗ lực chung thúc đẩy đàm phán hiệp định. Mặt khác, Việt Nam đang trở thành quốc gia đi đầu trong các xu thế và tham gia các hiệp định thương mại tự do và FTA thế hệ mới, vì vậy, các kinh nghiệm cũng như các nỗ lực của Việt Nam rất có ý nghĩa và rất thiết thực để giúp các đoàn đàm phán của ASEAN cũng như các đối tác tìm ra được những hướng, cách giải quyết các vấn đề, đặc biệt là thu hẹp khoảng cách giữa các nước.
Là nước chủ nhà của Phiên đàm phán này và sẽ là nước chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức và phối hợp với tất cả các nước phấn đấu đạt mục tiêu trên. Hi vọng, chúng ta sẽ được chứng kiến RCEP được ký kết trong năm 2020 ngay tại Việt Nam.