Nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển mới 120 sản phẩm OCOP, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố mới phát triển được 52 sản phẩm OCOP. Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được đánh giá là khó hoàn thành. Chính vì vậy, các sở, ngành, địa phương đã và đang rà soát, hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể sản xuất có sản phẩm tiềm năng phát triển theo chu trình OCOP để xây dựng nhiều hơn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Cơ sở sản xuất bún Minh Hường, xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) đang hoàn thiện các quy trình phát triển sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao năm 2024.

Cơ sở sản xuất bún Minh Hường, xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) đang hoàn thiện các quy trình phát triển sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao năm 2024.

Xác định xây dựng sản phẩm OCOP hiệu quả, bền vững là nhiệm vụ quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thời gian qua, huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể đăng ký tham gia phát triển sản phẩm tiềm năng thành sản phẩm OCOP. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, huyện đã tích cực phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách OCOP cấp xã và các chủ thể sản phẩm với nhiều nội dung trọng tâm, như: triển khai phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP... Đặc biệt, huyện giao cán bộ chuyên trách OCOP, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm cũng như hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đồng thời, lồng ghép kinh phí từ nhiều chương trình, dự án và ngân sách địa phương để hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Nhờ đó đến nay, huyện đã có 13 sản phẩm OCOP 3 sao, các sản phẩm đã phát huy hiệu quả, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, trở thành động lực để phát triển kinh tế khu vực nông thôn”.

Sau khi được địa phương rà soát, Cơ sở sản xuất bún Minh Hường của hộ ông Trịnh Ngọc Minh, xã Lam Sơn là một trong những chủ thể được lựa chọn để phát triển sản phẩm OCOP mới của huyện Ngọc Lặc trong năm 2024. Chính vì vậy, chủ thể đã được xã Lam Sơn hỗ trợ, tạo điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng thương hiệu, thiết lập bao bì - nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm định chất lượng sản phẩm... Theo kế hoạch đặt ra, trong năm 2024, ngoài việc tập trung duy trì và nâng cao chất lượng 13 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP thì huyện Ngọc Lặc sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển mới ít nhất 3 sản phẩm OCOP mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, huyện chưa có thêm bất kỳ sản phẩm OCOP mới nào. Do đó, huyện Ngọc Lặc sẽ tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham (Quảng Xương) đều được làm theo phương pháp ủ, muối truyền thống. Ảnh: Lê Hòa

Các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham (Quảng Xương) đều được làm theo phương pháp ủ, muối truyền thống. Ảnh: Lê Hòa

Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy, mặc dù có nhiều sản phẩm được đánh giá là có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP, song quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư trang thiết bị máy móc còn hạn chế nên mẫu mã đơn giản, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình và những thị trường lớn... Ông Phan Xuân Hùng, Tổ trưởng Tổ Quản lý OCOP (thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM), cho biết: "Để 1 sản phẩm được chứng nhận OCOP không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước trong hỗ trợ chủ thể nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng mà còn là sự nỗ lực, linh hoạt của chủ thể sản xuất. Bởi họ là người đưa ra ý tưởng, câu chuyện sản phẩm để tạo nên sự độc đáo, riêng biệt và sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Do đó, trong nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP, chúng tôi luôn lồng ghép những nội dung, hoạt động để khơi gợi sự sáng tạo của chủ thể. Đồng thời, tiếp sức các chủ thể trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ bằng nhiều hình thức... để việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ hoàn thành về số lượng mà còn bảo đảm mục tiêu, hiệu quả và ý nghĩa của chương trình”.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu phát triển mới 120 sản phẩm OCOP; trong đó, mỗi đơn vị phát triển thêm từ 2 đến 8 sản phẩm OCOP mới. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, mới có 52 sản phẩm của 10 đơn vị cấp huyện được công nhận, đạt 43,3% kế hoạch. Do đó, nhiệm vụ đến cuối năm còn khá bộn bề, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các sở, ngành, địa phương. Trong phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm, UBND tỉnh giao Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của Chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đội ngũ tư vấn và chủ thể tham gia chương trình; tư vấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh... Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức, như: hội chợ, triển lãm, trưng bày tại các hội nghị... để việc phát triển mới sản phẩm OCOP bảo đảm mục tiêu, kế hoạch song vẫn nâng cao, phát huy được hiệu quả, tính bền vững của chương trình.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/no-luc-hoan-thanh-muc-tieu-phat-trien-san-pham-ocop-225284.htm