Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế
ĐBP - 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng tăng đột biến, song bằng nhiều giải pháp cụ thể, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế tỉnh ta vẫn đạt được mức tăng trưởng khá. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2022.
Nhà thầu thi công Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng động lực dọc trục quốc lộ 279, quốc lộ 12.
6 tháng đầu năm 2022, GRDP ước đạt 6.194,7 tỷ đồng, tăng 8,81% so với cùng kỳ năm trước, xếp hạng 16/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh vẫn còn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng (KBTT) đề ra tại Quyết định số 66/QĐ-UBND ngày 14/1/2022 của UBND tỉnh (sau đây gọi tắt là KBTT ban đầu) 0,89 điểm % (kịch bản ban đầu 9,7%) do chỉ có 8 ngành đạt, vượt mức tăng trưởng theo kế hoạch, trong khi có 13 ngành không đạt.
Mặc dù nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm song dư địa tăng trưởng 6 tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Qua đó, các ngành đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể để từng cơ quan, đơn vị với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022. Động lực, nhân tố tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2022 dự báo đến từ: Lĩnh vực xây dựng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các dự án phát triển thủy điện, sản xuất phân phối điện; các dự án phát triển đô thị, phát triển du lịch và các dự án sản xuất nông lâm nghiệp (mắc ca). Khu vực dịch vụ, du lịch sẽ phục hồi nhanh, bền vững trong chiến lược chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các chương trình, dự án đầu tư công như các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, các dự án trọng điểm đã được được Trung ương giao vốn thực hiện... cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh cả năm 2022 khoảng 10,5% thì tăng trưởng kinh tế quý III phải đạt khoảng 11,86% và quý IV phải đạt khoảng 11,97%.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh song 6 tháng đầu năm khu vực này đạt 1.143,08 tỷ đồng, tăng 4,32% (thấp hơn 2,68 điểm % so với KBTT ban đầu). Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng 6 tháng cuối năm rất lớn, kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho mức tăng trưởng chung của tỉnh. Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đạt mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phải có mức tăng trưởng trong quý III dự kiến tăng khoảng 8,8%; động lực tăng trưởng chủ yếu là trồng mới cây mắc ca, chăn nuôi lợn; tăng trưởng quý IV đạt 7,57% so với cùng kỳ, động lực chủ yếu từ thu hoạch cao su, cà phê, mắc ca, sản lượng thịt lợn xuất chuồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để hoàn thành mục tiêu đó, từ nay đến cuối năm 2022, Sở tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất theo kế hoạch để nâng diện tích cây lương thực cả năm ước đạt 79.544ha, với tổng sản lượng dự ước đạt 276.714,65 tấn, đạt 100,33% so với kế hoạch. Các địa phương tập trung khai thác một số sản phẩm cây công nghiệp dài ngày phục vụ chế biến, tiêu dùng dịp cuối năm và tết nguyên đán như: chè búp tươi 20 tấn, cà phê 3.005 tấn, mắc ca 80 tấn; khai thác 3.094 tấn mủ cao su theo kế hoạch. Sở phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện và các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mắc ca. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp và các hợp tác xã, các hộ chăn nuôi tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng...
Với những chương trình, dự án lớn dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào thời điểm cuối năm 2022, khu vực công nghiệp xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng cuối năm. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp quý III đạt 20,13% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng dự kiến tăng 20,27%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tăng 15,28%; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí dự kiến tăng trưởng đạt 14,57%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải dự kiến tăng 17,81%. Quý IV, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 18,47% so với cùng kỳ.
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, Sở đang tích cực phối hợp cùng các sở, ban ngành chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện đang triển khai để sớm đưa vào vận hành khai thác trong năm 2022 như: Thủy điện Sông Mã 3, Huổi Chan 1, Mường Luân 1, với tổng công suất là 60,5MW. Sở chủ trì phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành tuyến đường dây 110kV Mường Chà - Thủy điện Long Tạo để hoàn thiện đóng điện trong quý IV/2022, tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, các đơn vị trong quá trình khảo sát nghiên cứu lập đề xuất đầu tư các dự án thủy điện, điện gió, điện sinh khối, điện tích năng trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực tại các hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị kết nối đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử và đưa vào các chuỗi phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các dự án phát triển đô thị, tăng cường công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản; thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đấu giá đất tạo nguồn thu từ đất, đấu thầu theo đúng tiến độ cam kết, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.