Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát - Kỳ 2

Kỳ 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Sau 3 năm triển khai Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) trên địa bàn tỉnh, hàng nghìn hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, ổn định đời sống. Qua đó, khẳng định đây thực sự là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, giúp các hộ nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Linh hoạt các biện pháp hỗ trợ

Cao Bằng là tỉnh được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý lựa chọn thí điểm chỉ đạo thực hiện XNT, NDN cho hộ nghèo, gia đình chính sách; ưu tiên nguồn lực để triển khai. Từ kinh nghiệm thực tiễn và tiếp nối thành công của chương trình hỗ trợ tại huyện Hà Quảng, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về thực hiện hỗ trợ XNT, NDN trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình với tinh thần quyết tâm quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sức lan tỏa trong toàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện để người dân giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 15.835 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách cần hỗ trợ XNT, NDN. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho các hộ là “lõi nghèo” (gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách không có nhà hoặc nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện sinh sống). Việc rà soát, bình xét, thẩm định, phê duyệt được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách thực sự quyết tâm ra sức làm nhà và mạnh dạn huy động thêm sự hỗ trợ của người thân, dòng tộc cùng với sự góp sức của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đã xây mới hoặc sửa chữa được nhà ở đạt tiêu chí “3 cứng”, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng, đảm bảo bền vững lâu dài, thực sự giúp các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Nông Thị Thơm, xóm Pác Coóng - Bài Siêng, xã Phong Châu (Trùng Khánh) là hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cả 2 vợ chồng đều là người khuyết tật. Chị Thơm chia sẻ: Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, nhà dột nát, mỗi khi trời mưa trong nhà ướt hết, 2 vợ chồng mắt đều không nhìn thấy, sinh hoạt bình thường đã khó rồi nên không bao giờ dám mơ có được ngôi nhà đàng hoàng để ở. Khi xã, xóm thông tin được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng để làm nhà, hai vợ chồng vay mượn thêm bạn bè, anh em họ hàng, quyết định xây dựng nhà mới. Giờ có nhà mới, gia đình tôi cố gắng làm việc để vươn lên thoát nghèo, chăm sóc con cái tốt hơn. Gia đình tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.

Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tặng quà hộ gia đình bà Hoàng Thị Bày, xóm Lũng Cuốn, xã Quang Long (Hạ Lang).

Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tặng quà hộ gia đình bà Hoàng Thị Bày, xóm Lũng Cuốn, xã Quang Long (Hạ Lang).

Mùa mưa này, bà Hoàng Thị Bày, xóm Lũng Cuốn, xã Quang Long (Hạ Lang) không còn lo chạy từng góc nhà lúc nửa đêm khi mưa gió. Căn nhà cũ ọp ẹp, dột nát được thay bằng ngôi nhà mái tôn, tường xây gạch kiên cố. Bà Bày cho biết: Được hỗ trợ 44 triệu đồng, tôi vay mượn thêm để dựng ngôi nhà vững chãi, bảo đảm sử dụng lâu dài.

Quá trình thực hiện, nhiều địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh như giao lực lượng công an làm nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ dân; ngoài kinh phí hỗ trợ của chương trình, các huyện, Thành phố vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa...

Sau khi hoàn thành, nhà ở có diện tích từ 40 - 120 m2, đảm bảo tiêu chí “3 cứng”; tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, trị giá 50 - 150 triệu đồng/nhà. Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng cao, niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc.

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau

Để hoàn thành mục tiêu XNT, NDN, giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15/7/2021, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/1/2023 về lãnh đạo thực hiện XNT, NDN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa, quyết tâm hoàn thành mục tiêu hỗ trợ XNT, NDN trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác vận động xã hội hóa, huy động sự chung tay của doanh nghiệp, người dân trong hỗ trợ XNT, NDN theo tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021, Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 về chính sách hỗ trợ XNT, NDN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện hỗ trợ XNT, NDN cho hộ nghèo, gia đình chính sách, theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh hoàn thành xóa 6.602 nhà tạm, NDN; giai đoạn 2023 - 2025, hằng năm tiếp tục rà soát, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo ở nhà tạm, NDN mới phát sinh; kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình nhà ở đã hỗ trợ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ XNT,NDN tỉnh Trịnh Trường Huy cho biết: Để giải quyết bài toán nguồn lực thực hiện XNT,NDN, tỉnh chủ trương huy động đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện hỗ trợ XNT, NDN cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình của Trung ương, nhất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình được hỗ trợ trong quá trình thực hiện chương trình.

Kỳ cuối: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Kỳ 1: Từ mô hình nhỏ, nhân thành điểm sáng

Ngọc Minh - Thanh Huyền

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-hoan-thanh-muc-tieu-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-ky-2-3172415.html