Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022
9 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) toàn tỉnh ước đạt 18.176 tỷ đồng (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021), đạt tiến độ 83,7% dự toán năm. Trong đó, thu NSNN trên địa bàn 5.525 tỷ đồng, bằng 83,7% dự toán năm và chiếm 30,4% tổng thu; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 7.665 tỷ đồng, bằng 83,6% dự toán năm, chiếm 42,2% tổng thu... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
9 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) toàn tỉnh ước đạt 18.176 tỷ đồng (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021), đạt tiến độ 83,7% dự toán năm. Trong đó, thu NSNN trên địa bàn 5.525 tỷ đồng, bằng 83,7% dự toán năm và chiếm 30,4% tổng thu; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 7.665 tỷ đồng, bằng 83,6% dự toán năm, chiếm 42,2% tổng thu; thu chuyển nguồn 4.959 tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng thu. Đáng kể, một số khoản thu sắp “cán đích” như: thu nội địa đạt tổng thu 4.923 tỷ đồng, bằng 82,1% dự toán năm (trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 203 tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 250 tỷ đồng, bằng 92,6% dự toán; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài Nhà nước 625 tỷ đồng, bằng 75,3% dự toán; thu tiền sử dụng đất 2.500 tỷ đồng, bằng 97,5% dự toán; lệ phí trước bạ 290 tỷ đồng, bằng 87,9% dự toán); thu hải quan đạt 585 tỷ đồng, bằng 97,5% dự toán năm, chiếm 3,2% tổng thu.
Kết quả thu NSNN được đánh giá là khả quan và thể hiện sự nỗ lực cao của các cấp chính quyền, ngành chức năng bởi trong 9 tháng đầu năm 2022 các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như toàn quốc vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm: dịch COVID-19 gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới; tác động từ cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn... Theo đồng chí Lê Đức Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, các giải pháp thiết thực, đáng ghi nhận trong thu NSNN 9 tháng đầu phải kể đến việc các cấp chính quyền, ngành chức năng đã bám sát và thực hiện hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, gia tăng các biện pháp kiểm soát lạm phát; kịp thời thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như là miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, cung ứng kịp thời, hiệu quả nhu cầu vốn phục vụ mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm; gia tăng các biện pháp không để lọt nguồn thu và tăng tốc số hóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế dễ dàng hơn. Riêng ngành Thuế tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu triển khai sử dụng hóa đơn điện tử nhằm hạn chế rủi ro trong công tác quản lý thuế; thực hiện hiệu quả quy định các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, đảm bảo 100% doanh nghiệp đang hoạt động kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử… Về phía các huyện, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc các phòng, ban nâng cao hiệu quả phối hợp với các Chi cục Thuế chú trọng rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn để nắm bắt, đánh giá thực tế công tác thu NSNN. Từ đó, xác định doanh thu sát với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiến hành điều chỉnh mức thu hoặc đưa vào quản lý thu thuế đối với những hộ chưa quản lý, đảm bảo đưa vào quản lý thuế 100% hộ thực tế đang kinh doanh trên địa bàn. Các huyện, thành phố cũng tăng cường khai thác nguồn thu để bù đắp các khoản hụt thu; chú trọng thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch đề ra để hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất và có nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tích cực quản lý chống thất thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng online, quản lý thu thuế hoạt động xây dựng cơ bản tư nhân, kinh doanh vận tải, các nguồn thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản…
Tuy nhiên, cũng theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Đức Thuận, từ nay đến cuối năm 2022, nhiệm vụ thu NSNN vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, thực hiện quy định về giảm thuế trong một số lĩnh vực khiến kết quả một số khoản thu đạt thấp, chẳng hạn như: số thu thuế bảo vệ môi trường 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 290 tỷ đồng, bằng 32,2% dự toán năm do thực hiện quy định giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 1-4-2022. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; quy mô các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa, chưa có doanh nghiệp ổn định nguồn thu lớn.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN mới nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025. Kết quả thu NSNN những tháng đầu năm mặc dù được đánh giá tích cực, song ngành Thuế xác định trong những tháng cuối năm phải tiếp tục nỗ lực để hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao trong thu NSNN năm 2022. Các giải pháp được ngành xác định là đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng điện tử, số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế. Tăng cường công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thu thập thông tin người nộp thuế; rà soát, đối chiếu xác định chính xác số lượng người nộp thuế đang hoạt động, ngừng, nghỉ, bỏ trốn, mất tích, hoặc chuyển địa bàn; đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cập nhật trên website của ngành các trường hợp nợ đọng thuế lớn, kéo dài nhiều năm; chú trọng công tác kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế như doanh nghiệp nộp thuế thấp, doanh nghiệp báo kinh doanh lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp kê khai không đúng, không nộp, chậm nộp thuế. Các huyện, thành phố tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu và chống thất thu NSNN, đặc biệt những khoản thu như thu từ khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngoài quốc doanh (đối với doanh nghiệp), đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử…; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy