Nỗ lực hồi phục thị trường lao động

Thời gian qua, người lao động từ một số thị trường lao động trọng điểm trở về quê hương gây thiếu hụt cung - cầu về lao động cục bộ ở một số nơi. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã, đang nỗ lực hồi phục thị trường lao động, cố gắng không để hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng sâu, chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy.

Nhận được sự quan tâm về nhiều mặt, người lao động tại Tổng công ty May 10 yên tâm gắn bó với công việc.

Kỳ vọng phục hồi sau đại dịch

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn cung lao động đang suy giảm. Hiện nay, lực lượng lao động của cả nước là hơn 49 triệu người, giảm hơn 2 triệu người so với thời điểm cuối tháng 6-2021. Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch thiếu tích cực, khi gia tăng lao động ở khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; giảm lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, số lượng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là hơn 14,5 triệu người, tăng hơn 673.000 người so với thời điểm cuối quý II-2021 và tăng gần 480.000 người so với cùng kỳ năm trước, trong khi lao động ngành công nghiệp, xây dựng giảm hơn 900.000 người so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Đáng quan tâm hơn, theo tính toán sơ bộ, từ tháng 7 đến hết tháng 9-2021, cả nước ghi nhận khoảng 1,3 triệu lao động từ các trung tâm kinh tế về quê, trong đó, Hà Nội có khoảng 324.000 người, thành phố Hồ Chí Minh có gần 300.000 người, một số tỉnh, thành phố phía Nam có khoảng 450.000 người... Thực trạng này dẫn đến sự thiếu hụt về lao động khi 17,8% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ đang thiếu hụt lao động, nhất là doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngành đang thiếu hụt nhiều lao động là điện tử, da giày với hơn 50%; may mặc, sản xuất thiết bị điện với hơn 44%...

Mặc dù thị trường việc làm bị ảnh hưởng tiêu cực, song một nghiên cứu mới đây do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với các đơn vị thực hiện cho thấy, 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra nhiều việc làm trong thời gian tới.

Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thị trường lao động trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi. Vì thế, các bên liên quan cần chủ động phương án phục hồi thị trường lao động, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự theo hình thức trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm kết nối thị trường lao động ở Hà Nội với 5 tỉnh lân cận vừa diễn ra.

Nhiều giải pháp “tiếp sức”

Ngoài các giải pháp “trợ lực” cho thị trường lao động đã, đang được triển khai thông qua các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương còn chủ động thực hiện nhiều giải pháp khác. Giải pháp quan trọng là khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

“Đây là giải pháp đi trước, đón đầu cho sự phát triển ổn định của thị trường lao động, nếu các bên cùng thực hiện tốt”, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV nhận định.

Theo hướng này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đề xuất 2 phương án đào tạo nguồn nhân lực. Phương án 1 là đưa 500.000 học sinh, sinh viên có kỹ năng cơ bản (năm thứ nhất hoặc thứ hai) đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đồng thời đưa 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo (năm thứ hai hoặc thứ ba) vào làm việc tại doanh nghiệp. Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh lao động học nghề các trình độ.

Giải pháp quan trọng khác được các bên cùng triển khai là tăng cường kết nối cung - cầu về lao động, ưu tiên giới thiệu việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Tại Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Mới đây nhất, phiên giao dịch việc làm kết nối giữa thị trường lao động ở Thủ đô và 5 tỉnh khác đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với hơn 8.000 vị trí việc làm có mức thu nhập hấp dẫn.

Tham gia tuyển dụng lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ quản lý nhân sự Công ty TNHH Enshu Sanko Việt Nam cho biết: “Để thu hút ứng viên, chúng tôi trả 100% lương cho những lao động mới trúng tuyển, trong khi trước đây, họ chỉ được hưởng 80% tiền lương hằng tháng”.

Dưới góc độ người lao động, anh Đỗ Văn Linh (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh: “Thời điểm này, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm nếu họ thực sự có nhu cầu tìm việc. Cá nhân tôi được một số doanh nghiệp gọi đến làm việc sau khi tham gia phiên phỏng vấn trực tuyến gần đây”.

Với trách nhiệm quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường nắm bắt thông tin, điều tiết cung, cầu lao động; chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương phối hợp, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc...

Vũ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1016140/no-luc-hoi-phuc-thi-truong-lao-dong