Nỗ lực hồi sinh cho đất
Sau chiến tranh, đặc thù tỉnh Quảng Trị là địa phương có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước (trên 81%) và đang rất cần sự hỗ trợ chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này. Do vậy, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), nhà tài trợ tập trung triển khai trong các lĩnh vực: Khắc phục hậu quả chiến tranh; y tế; giáo dục và đào tạo; giải quyết các vấn đề xã hội; người khuyết tật; phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp… Trong đó, số chương trình, dự án, viện trợ phi dự án tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh. Theo đánh giá, lĩnh vực triển khai đạt hiệu quả nhất cũng là khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Phục hồi một vùng đất
Tính đến ngày 20/2/2021, thôn tái định cư Phường Cội, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ tròn 22 năm thành lập. Phường Cội vốn là một địa danh quen thuộc của những người làm nghề sơn tràng vùng ven Quốc lộ 9, Cam Lộ. Từ Km14 trên Quốc lộ 9 rẽ theo đường vào Cùa, kéo đến tận chân đèo theo hướng Tây là một vùng đất khá bằng phẳng, ba phía giáp với các thôn Phan Xá, Tân Trang, Tân Tường, xã Cam Thành, Cam Lộ. Từ xa xưa, nơi đây là rừng rậm ngút ngàn. Những người chuyên nghề khai thác gỗ (còn gọi là những thợ cội) quanh vùng, sau khi đưa được gỗ từ rừng già ra, tập kết tại nơi này để vạc, đẽo, cưa, xẻ trước khi đưa đi tiêu thụ. Cái tên Phường Cội ra đời từ đó.
Những năm chiến tranh, vùng đất Phường Cội nằm trong vòng cung phong tỏa các loại hỏa lực của Mỹ- ngụy đóng chốt từ cao điểm 241, Tân Lâm dội về, từ chi khu Cam Lộ nhắm sang nhằm bảo vệ huyết mạch đường 9. Không biết bao nhiêu bom đạn đã dội xuống nơi này, biến rừng xanh thành bình địa, đất đai thành chiến địa, Phường Cội trở thành một trong những nơi bị ô nhiễm bom mìn mức độ cao nhất trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Ngày 19/2/1999 được ghi vào biên niên sử của thôn Phường Cội như một cột mốc quan trọng đánh dấu sự hồi sinh của vùng đất này. Được sự tài trợ của Dự án SODI, Cộng hòa Liên bang Đức về rà phá bom mìn, UBND tỉnh Quảng Trị, chính quyền huyện Cam Lộ và xã Cam Thành đã hỗ trợ tích cực để xây dựng thôn tái định cư Phường Cội. Sau khi bom mìn cơ bản được dọn sạch, nhiều cặp vợ chồng trẻ quanh vùng đã quyết định đến với Phường Cội để an cư lạc nghiệp. Thôn hình thành trên diện tích tự nhiên 111 ha, bước đầu quy tụ 54 hộ với 214 nhân khẩu. Mỗi hộ đến tái định cư được Dự án SODI hỗ trợ 8,8 triệu đồng làm nhà ở và xây dựng công trình vệ sinh. Cơ sở vật chất của thôn ban đầu chỉ có 700 mét đường giao thông đổ cấp phối, một hội trường dùng để hội họp với đầy đủ bàn, ghế, một trường tiểu học có hai phòng, một trường mẫu giáo mầm non, đủ chỗ cho con em trong thôn theo học.
Đến tháng 4/2000, thôn Phường Cội mới cơ bản ổn định, hình thành ban điều hành thôn gồm 1 ban thôn có Mặt trận và các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, thành lập các tổ liên gia tự quản… Chi bộ thôn đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo, xốc dậy tinh thần vượt khó, vươn lên của con dân trong làng, cùng chung sức xây dựng quê hương mới.
Đến nay toàn thôn đã có hơn 87 hộ, trên 350 nhân khẩu. Nếu tính thu nhập bình quân đầu người của thôn vào giai đoạn 1999 - 2011 chỉ giao động từ 8 triệu đến 9,6 triệu đồng/ người/ năm thì đến nay, mức thu nhập này đã tăng trên 33 triệu đồng/người/ năm. Người dân Phường Cội nổi tiếng chăm chỉ làm lụng, có thu nhập từ trồng cao su, trồng rừng, dịch vụ, buôn bán khắp nơi, từ trong nước qua đến nước bạn Lào. Ngày 27/11/2009, thôn Phường Cội được UBND huyện Cam Lộ công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện, UBND tỉnh tặng danh hiệu và cờ đơn vị văn hóa xuất sắc 5 năm (2011-2015). Điều đáng ghi nhận là sinh ra trên quê hương mới, trên 20 người trẻ đã và đang học tập ở các trường đại học trong nước, nước ngoài, là lứa “quả ngọt” đầy hy vọng và tự hào của người dân Phường Cội.
Nhiều lợi ích từ các dự án Giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh Quảng Trị có quan hệ hợp tác với 67 tổ chức PCPNN, tổ chức quốc tế, duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống như tổ chức PTVN, MAG, NPA, CRS (lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn). Cũng trong giai đoạn 2014 - 2019, đã có 226 dự án viện trợ với tổng giá trị viện trợ cam kết là 99.344.266 USD. Đặc biệt có 2 dự án với số vốn tài trợ lớn thuộc lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh: Dự án “Liên lạc cộng đồng và rà phá vật liệu chưa nổ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2020” do tổ chức MAG/ Anh tài trợ với ngân sách 12.297.184 USD, mở rộng dự án “Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh- Chương trình khảo sát, rà phá bom mìn tại Quảng Trị” giai đoạn 2018- 2022 do tổ chức NPA/Na Uy tài trợ với ngân sách 9.905.294 USD. Từ năm 1996 - 2020, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 269,8 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN (riêng giá trị viện trợ cho lĩnh vực bom mìn là 143,7 triệu USD). Từ nguồn kinh phí này, cùng với nỗ lực quyết tâm khắc phục hậu quả bom mìn, đến nay tỉnh Quảng Trị đã rà phá được gần 214,5 triệu m2 đất; diện tích khảo sát bom chùm trên 449,2 triệu m2 ; tổng diện tích đã xác định ô nhiễm bom chùm gần 446,7 triệu m2 ; tổng diện tích ô nhiễm bom chùm đã xử lý gần 86,3 triệu m2 ; tổng số vật nổ đã tìm thấy và xử lý là 740.714 quả các loại.
Các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị đã giúp giảm thiểu tai nạn bom mìn và số nạn nhân tai nạn bom mìn trên địa bàn tỉnh qua các năm; giảm thương vong và tổn thất cho người dân và chi phí cho xã hội; tăng diện tích đất phục hồi canh tác, định cư, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức nguy cơ bom mìn đối với người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường; giúp cho nạn nhân bom mìn có điều kiện để vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Hiện tỉnh Quảng Trị đã xây dựng chương trình hành động bom mìn giai đoạn 2020 - 2025, quyết tâm thực hiện để hướng về đích là tỉnh đầu tiên trong cả nước an toàn về bom mìn vào năm 2025. Sau đó, sẽ chuyển sang giai đoạn quản lý rủi ro do bom mìn gây ra.