Nỗ lực hồi sinh đào, quất cảnh sau bão

11h trưa ngày 19/9, dù đã sang thu nhưng nắng vẫn gay gắt, bức bối cộng thêm việc chốc chốc người dân lại châm lửa đốt những gốc quất, gốc đào khô, khiến không khí vườn quất, vườn đào ở các khu vực Tứ Liên, Phú Thượng và Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội thêm phần ngột ngạt.

Ngoài những đống cây khô được xếp bên vệ đường bê tông thì bên các luống quất, luống đào, người dân vẫn cần mẫn, dọn dẹp vườn, đồng thời tìm cách cứu những cây quất, cành đào còn hy vọng bật lộc để phục vụ cho dịp Tết năm nay.

Cố cắt tỉa từng cành nhỏ để cây bật lộc

Hơn 11h trưa, chị Thu Hà, chủ vườn quất Hà Tiên, ở khu 7 vườn quất Tứ Liên, Tây Hồ vẫn cầm kéo bấm tỉa từng cành quất nhỏ trong số hàng trăm gốc cây được nhìn nhận là "còn cơ hội" cứu sống để trồng cho năm sau. Chị chia sẻ: "Năm nay, nhà chị ươm trồng chừng 400 gốc quất. Thường thì cuối tháng 9 tỉa cành, uốn dáng. Sau đó tiếp tục chăm sóc chờ đến đầu tháng Chạp là đã bắt đầu giao dịch với khách. Nhưng năm nay, chỉ một cơn bão quét qua, nước ngập 2-3 ngày, thế là cả vườn giờ như một bãi hoang. Cây nào cây đấy rụng hết lá, hết quả rồi khô héo dần. Công chăm bón, tiền mua cây giống bấy lâu giờ cũng theo hơn 300 gốc cây… trôi theo lũ bão. Thiệt hại lần này của gia đình chị ước tính chừng 250-300 triệu đồng".

Chỉ tay về phía dãy cây héo lá ở dưới, phần ngọn vẫn còn xanh tươi, chị Hà nói: "Sau khi dành thời gian xem xét, tôi cũng đã lọc ra gần 100 cây có cơ hội sống sót nếu chăm sóc tốt. Vì thế, gia đình mấy ngày nay đang tập trung vào bấm tỉa cành héo, thêm phân bón để hy vọng những cây này nảy mầm lại, làm giống trồng cho năm sau".

Cách nhà chị Hà không xa là nhà anh Nguyễn Văn Minh, chủ vườn quất Thủy Ba, Tứ Liên, người cùng chung cảnh ngộ mất hàng trăm gốc quất do mưa lũ. "Sống hơn 50 năm, đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến trận mưa lụt cả vùng quất, bùn ngập cả ngọn cây thế này. Nhìn cả một vùng đang xanh mơn mởn nay héo úa thế này thì năm nay mất hết", anh Minh bần thần bộc bạch với chúng tôi. Nhớ lại ngày nước lũ dâng cao, anh Minh cho biết, dù đã theo dõi sát tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền núi, nhưng nước dâng nhanh quá bà con trong làng trở tay không kịp. Nhà anh Minh có khoảng 500 gốc quất, chết úng hơn 400 gốc. Những gốc còn lại cũng bị ảnh hưởng. Hàng năm, vào thời điểm này, những cây quất tại vườn nhà anh Minh đã ra quả xanh và được uốn theo thế chuẩn bị cho vụ Tết.

Nhìn những cây quất vàng hết cả thân và lá, quả, héo quắt đi, anh Minh xót xa: "Năm nay, gia đình tôi gần như mất trắng vụ quất Tết". Trung bình mỗi năm, với hơn 500 gốc quất, cây có giá bán cao lên đến vài triệu đồng, trừ tất cả các chi phí, vườn quất có thể mang về cho gia đình anh Minh tiền lợi nhuận hơn 200 triệu. "Từ lúc tôi biết trồng quất đến giờ thì đây là lần ngập thứ 2 khiến cho người trồng quất mất trắng như thế này. Giờ chúng tôi phải mua giống cây mới để trồng và chờ đợi cung cấp cho mùa vụ Tết năm sau. Những cây còn sống sau bão, chúng tôi phải chăm sóc cẩn thận để chờ bật lộc", anh Minh chia sẻ.

Công việc của những người trồng quất ở Tứ Liên bây giờ là dọn bùn, dọn cây hỏng, chuẩn bị vườn cho vụ mới. Bà con Tứ Liên thường lấy cây giống tại vựa quất ở huyện Văn Giang, Hưng Yên, thế nhưng đợt lũ lớn trên sông Hồng vừa qua cũng khiến vựa quất này bị ảnh hưởng. Chỉ một lượng quất nhỏ, người dân kịp chạy lên đê mới may mắn thoát lũ. Cả khu vực rộng lớn trồng quất ở Văn Giang chìm trong biển nước. Vì thế đến tìm cây giống để trồng lại cũng đang khó khăn.

Các hộ trồng đào, quất tại quận Tây Hồ đang cố gắng hồi sinh những vườn đào, quất sau bão.

Các hộ trồng đào, quất tại quận Tây Hồ đang cố gắng hồi sinh những vườn đào, quất sau bão.

Đào Nhật Tân còn nhưng khó đẹp và rẻ như những năm trước

Nằm dọc theo triền đê sông Hồng, nên khi vùng quất bị ngập thì vườn đào Nhật Tân cũng không thoát khỏi cảnh "bùn phủ đến ngọn cây". Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước sông Hồng dâng cao gây ngập khu vực trồng đào tại phường Nhật Tân khiến người dân nguy cơ "mất trắng" trong vụ tết Nguyên đán 2025. Ghi nhận của phóng viên, hơn một tuần sau bão số 3, nhiều hecta trồng đào trên địa bàn phường Nhật Tân, Phú Thượng, quận Tây Hồ hiện trong tình trạng xơ xác, bùn bám nhiều. Hiện chỉ còn rất ít cây đào vẫn còn sống sót. Người dân dự báo, đào Tết năm nay sẽ rất đắt đỏ bởi nhiều vườn đào đã bị "xóa sổ" do lũ nhấn chìm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ của gần 1.000 gốc đào dáng huyền cho biết: "Sau bão nước dâng lên cao làm thiệt hại gần như toàn bộ cây trồng, ước tính khoảng vài trăm triệu đồng. Mặc dù, đã có kế hoạch chuẩn bị và huy động nhân lực để di dời, nhưng do nước lũ dâng lên quá nhanh làm mọi sự cố gắng không ăn thua gì". Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến một số hộ trồng đào ở các phường Nhật Tân, Phú Thượng, quận Tây Hồ rơi vào cảnh trắng tay. Nhiều hộ đã nhổ đào, úp chậu xuống vì cây chết không thể phục hồi. Ngay cả những gốc đào cổ thụ được người dân nâng niu, chăm sóc kỹ lưỡng trêu những luống đất cao cũng không tránh khỏi bị ngập, ngâm mình trong nước đến tận ngọn.

Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, 152ha trồng đào, quất, hoa màu tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ đã bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng. Cùng với việc giãn nợ, cho vay vốn phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, quận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan hướng dẫn người dân khẩn trương dọn dẹp, khắc phục ảnh hưởng của bão lũ để tổ chức canh tác lại cây ngắn ngày nhằm đảm bảo cuộc sống. "Nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp cho người dân canh tác tại khu vực ngoài bãi, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch, bố trí khoảng 85 tỷ đồng để cho vay, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách", lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết.

Trưa ngày nắng sau lũ, những người trồng đào ở Nhật Tân, quất ở Tứ Liên tụm lại hỏi han nhau, ai cũng buồn rầu nhìn vườn quất đang sai quả, xanh mát mắt, sau trận lũ trở nên bạc phếch. Cây đào đang dáng đẹp sắp đến ngày tuốt lá thì giờ héo khô. "Nhưng tình trạng chung rồi, ở trên vùng cao còn lũ lụt, sạt lở mất nhà cửa, mất người. Thôi thì chúng tôi còn người, còn của, còn cố gắng", chị Thiệp, chủ vườn Mạnh Thiệp và những người trồng quất truyền thống tự động viên nhau. Trước khi ra về, chị Thiệp cũng không quên nói với chúng tôi: "Dù nhiều hộ mất trắng, nhưng quất Tứ Liên, đào Nhật Tân chắc chắn vẫn còn. Và hiện nay các hộ vẫn đang nỗ lực cứu cây, nhằm giảm bớt thiệt hại do bão lũ gây ra".

Phạm Huyền - Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/no-luc-hoi-sinh-dao-quat-canh-sau-bao-i744614/