Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp
Sáng 20/9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội và Dân tộc tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Cà Mau có 60/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 73,2%; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và TP Cà Mau được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Về vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến ngày 10/9, đã giải ngân 230,263 tỷ đồng, bằng 31,4% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 225,429 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch; vốn sự nghiệp 4,834 tỷ đồng, bằng 12,3% kế hoạch.
Toàn tỉnh còn 4.900 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,6%; 4.788 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,56%. Năm 2024, mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 0,4%; dự kiến đến cuối năm 2024, tỉnh thực hiện đạt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,6% xuống còn 1,2%.
Đến ngày 10/9, đã giải ngân 21,953 tỷ đồng vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, bằng 18,2% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư phát triển 5,499 tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch (vốn ngân sách trung ương), vốn sự nghiệp 16,454 tỷ đồng, bằng 17,4% kế hoạch (vốn ngân sách trung ương).
Việc triển khai và tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến nay đã cơ bản đáp ứng theo tiến độ, mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, đã hoàn thành được chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh mỗi năm từ 2% trở lên; đối với các địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn là 3% trở lên (chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho Cà Mau giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 2%). Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện, phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có ít nhất 2 xã và 22 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhận định, các địa phương đều có quyết tâm chỉ đạo quyết liệt, huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn, cấp cơ sở nhận thức chưa rõ quy định; cấp huyện chưa sâu sát trong đôn đốc, nhắc nhở nên phải sửa đổi liên tục… Từ đó, mất nhiều thời gian trong việc giải ngân nguồn vốn, làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chương trình.
“Lãnh đạo các huyện cần quan tâm đến các chương trình MTQG”, ông Nguyễn Quốc Thanh đề nghị.
Về tiêu chí BHYT trong xây dựng NTM, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên thông tin, hiện nay, tại một số xã chuẩn bị công nhận xã NTM, NTM nâng cao, tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh. Chính quyền địa phương cần có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh tuyên truyền.
Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiênđề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia để nâng tỷ lệ bao phủ BHYT.
“Đối với xã Định Bình (TP Cà Mau), BHXH tỉnh sẽ trực tiếp phối hợp hỗ trợ tuyên truyền. Với quan điểm không chạy theo chỉ tiêu để đạt chuẩn NTM, BHXH tỉnh quyết tâm còn người dân chưa tham gia BHYT thì sẽ tích cực vận động tuyên truyền, để mọi người dân đều có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh”, ông Trịnh Trung Kiên thông tin thêm.
Qua phần mềm theo dõi kết quả phong trào thi đua thực hiện các chương trình MTQG năm 2024, đạt điểm bình quân cao nhất là huyện Trần Văn Thời đạt 90 điểm; huyện Thới Bình đạt thấp nhất là 32 điểm. Tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử biểu dương những địa phương đạt được kết quả tốt trong tháng 9.
Đối với một số địa phương đạt thấp như xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình); xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) có tỷ lệ giải ngân rất thấp; Phường 2 (TP Cà Mau); thị trấn Đầm Dơi, (huyện Đầm Dơi); thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) không có điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND có văn bản nhắc nhở các địa phương này.
Đánh giá đã qua công tác kiểm tra đã phát huy hiệu quả, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện các chương trình MTQG, ông Lê Văn Sử lưu ý các cơ quan chủ quản thực hiện các chương trình MTQG tích cực, tăng cường thực hiện công tác này.
Về việc thực hiện các dự án có liên quan đến điều chuyển vốn, thủ tục còn nhiêu khê nên, ông Lê Văn Sử đề nghị các cơ quan chủ quản hằng tuần báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư. Về nguồn vốn năm 2025, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ bây giờ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị các sở, ngành xem xét hướng dẫn và chỉ đạo địa phương chủ động để kịp thời giải ngân vốn.