Nỗ lực kết nối doanh nghiệp và người lao động
Thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các thông tin về thị trường lao động đến từng địa phương, giúp người lao động (NLĐ) kịp thời nắm bắt thông tin về việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp (DN), đồng thời đa dạng các hình thức hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Từ đó, góp phần kết nối DN và NLĐ.
Tham gia tuyển dụng trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm lưu động lần thứ 178 tại huyện Long Thành mới đây, chị Lê Hoàng Thanh Tâm, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Olympus Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành), nơi đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 500 lao động dịp cuối năm cho biết, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động, công ty đã thực hiện nhiều hình thức tuyển dụng, trong đó không thể bỏ qua việc tham gia các sàn giao dịch việc làm trong và ngoài tỉnh.
* Hỗ trợ NLĐ và DN
Chị Thanh Tâm nhận định: “Việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN chúng tôi kết nối với NLĐ dễ dàng và thuận lợi hơn. Mặt khác, khi tham gia sàn giao dịch việc làm, có thể DN chưa tuyển dụng được số lượng như mong muốn, song đây vẫn là cơ hội tốt để DN quảng bá hình ảnh, các chế độ phúc lợi của DN… đến với đông đảo NLĐ”.
Không chỉ tạo điều kiện cho các DN tham gia sàn kết hợp tuyển dụng với tuyên truyền quảng bá hình ảnh công ty, tại mỗi phiên giao dịch việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai còn hỗ trợ các đơn vị, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tham gia thực hành nghề. Qua đó, thu hút lao động tham gia học nghề nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có thể kể đến như tại sàn giao dịch việc làm thứ 178 được tổ chức mới đây, trung tâm đã hỗ trợ cho Công ty TNHH tư vấn đào tạo nghiệp vụ Rosa (TP.Biên Hòa) tham gia sàn giới thiệu và tư vấn nghề cho khoảng 30 người ngay tại trung tâm.
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, để tăng tính hiệu quả của sàn giao dịch việc làm, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền tải thông tin về thị trường lao động đến từng địa phương, giúp NLĐ kịp thời nắm bắt thông tin về việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN, đồng thời đa dạng các hình thức hoạt động của sàn giao dịch như: giao dịch online, giao dịch lưu động ở các huyện, thị trong tỉnh. Các công ty chưa tuyển đủ lao động trực tiếp tại sàn sẽ được trung tâm hỗ trợ tham gia sàn kế tiếp.
Trung tâm hỗ trợ các DN và NLĐ kết nối việc làm sau khi sàn giao dịch việc làm kết thúc thông qua việc đăng thông tin tuyển dụng tại văn phòng trung tâm và 5 văn phòng đại diện; hỗ trợ thông tin việc làm qua website: www.vldongnai.vieclamvietnam.gov.vn tại mục Việc tìm người, Người tìm việc…
* Đưa việc làm đến gần NLĐ
Thời gian qua, các sàn giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương đã giúp NLĐ kết nối, tìm kiếm được công việc phù hợp với khả năng, trình độ và nguyện vọng, giúp người tìm việc tại địa phương không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là NLĐ ở các huyện vùng sâu, vùng xa.
Đến sàn giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại huyện Long Thành mới đây với mong muốn tìm việc làm mới, sau thời gian khá dài đã nghỉ việc ở nhà chăm con, chị Nguyễn Thị Linh (ngụ ấp 3, xã An Phước, huyện Long Thành) phấn khởi bày tỏ: “Nghỉ ở nhà một thời gian dài nên giờ tôi cảm thấy khá lúng túng khi đi tìm việc. Nhưng may mắn là đợt này lại có sàn giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ngay ở huyện nhà, tôi có thể biết rõ được DN nào đang cần tuyển, phúc lợi của họ ra sao và so sánh để lựa chọn mà không cần mất thời gian để đi tìm kiếm”.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Thị Thùy Linh cho hay, đối với huyện Long Thành, sàn giao dịch việc làm lưu động như “cầu nối” giúp NLĐ, đặc biệt là tại các xã nằm trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện có cơ hội tìm hiểu thông tin về việc làm, chế độ ưu đãi của từng DN và nguồn thông tin xuất khẩu lao động của các DN… Từ đó, có cơ hội tìm kiếm và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của mình. Điều này còn góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Cũng theo bà Linh, thị trường lao động trên địa bàn huyện vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng của nhà tuyển dụng và NLĐ. Do đó, thông qua các sàn giao dịch việc làm lưu động, huyện có thêm thông tin về thị trường, xu thế làm việc của NLĐ và yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó có sự điều chỉnh trong công tác quản lý nhà nước. “Trong thời gian tới, địa phương luôn sẵn sàng hợp tác cùng các DN tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tư vấn hướng nghiệp và tuyển dụng, góp phần giải quyết các vấn vấn đề mà DN quan tâm và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của NLĐ là có việc làm đúng với năng lực, trình độ và nguyện vọng của mình” - bà Linh cho hay.
ThS.Tạ Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (xã Long Phước, huyện Long Thành), một trong những địa điểm được chọn tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động thời gian qua bày tỏ, đối với đơn vị đào tạo nghề, việc đưa các DN tuyển dụng đến tận trường sẽ tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên được tiếp nhận một cách nhanh nhất và chính xác nhất các thông tin về nhu cầu tuyển dụng, thị trường lao động, từ đó có cơ hội tìm kiếm và định hướng việc làm sau khi ra trường. Mặt khác, hoạt động này còn tạo thêm niềm tin cho học sinh, sinh viên cũng như gia đình các em về cơ hội việc làm thuận lợi khi theo học trường nghề.
Th.S Tạ Văn Minh đề xuất: “Nên có nhiều hơn nữa các sàn giao dịch lưu động tại các địa phương, cơ sở đào tạo nghề… để kết nối DN với học sinh, sinh viên và NLĐ trên địa bàn toàn tỉnh”.
Trong 9 tháng của năm 2019, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tổ chức 14 sàn giao dịch việc làm (trong đó có 1 phiên tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp tại huyện Trảng Bom và 3 sàn giao dịch việc làm lưu tại huyện Long Thành) với sự tham gia của 354 lượt DN, gần 7 ngàn lượt NLĐ có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về lao động việc làm. Gần 5 ngàn lượt người đã được tư vấn về việc làm và hơn 3,5 ngàn hồ sơ của NLĐ đã được các DN tiếp nhận.