Nỗ lực khắc phục sạt, lở đường đảm bảo an toàn giao thông

Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện khoảng 400 điểm sạt, lở đất taluy dương và sụt nền đường taluy âm. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp tốt cùng cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, sẵn sàng với phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.

Vụ sạt lở điển hình nhất xảy ra khoảng 4h sáng ngày 13.7, tại km 10+900, Quốc lộ 34 đường Hà Giang - Bắc Mê khiến hơn 20.000 m3 đất, đá vùi lấp 1 xe ô tô 16 chỗ làm 11 người tử vong, 4 người bị thương. Ngay sau khi nhận được thông tin, anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển xây dựng và thương mại số 909 đã báo cáo Sở GTVT; đồng thời huy động tối đa con người, phương tiện máy móc của Công ty đến hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn. Anh Tuấn cho biết: Là đơn vị quản lý tuyến Quốc lộ 34, Công ty luôn tổ chức trực sẵn sàng, chủ động trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết. Do đó, ngay khi điểm km10+900, Quốc lộ 34 xảy ra sạt lở, Công ty đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, trang thiết bị, máy móc hiện có và huy động người dân sở tại phục vụ công tác cứu nạn và giải quyết thông xe, thông tuyến nhanh nhất. Đồng thời, làm các thủ tục, báo cáo bằng văn bản, hình ảnh, videoclip gửi về Sở GTVT và xin chủ trương của ngành để có giải pháp xử lý. Cùng với đó, Công ty cử người chốt trực, căng dây, rào chắn, cắm biển báo hiệu tạm hai đầu đoạn tuyến bị hư hại; thu dọn, san, sửa để bảo đảm giao thông tối thiểu 1 làn đi lại an toàn. Những đoạn đường hoặc công trình bị hư hại nặng phải làm rào chắn, có người gác chỉ huy, điều khiển giao thông, tổ chức phân luồng bảo đảm giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và thương mại số 909 huy động máy móc xử lý các điểm sạt, lở trên tuyến Quốc lộ 34.

Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và thương mại số 909 huy động máy móc xử lý các điểm sạt, lở trên tuyến Quốc lộ 34.

Tỉnh ta có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nên mỗi mùa mưa lũ thường gánh chịu những thiệt hại không nhỏ về hạ tầng giao thông. Theo thống kê sơ bộ của Sở GTVT, từ ngày 5.5 - 17.7.2024 đối với tuyến Quốc lộ 4C: Sạt lở ta luy dương 271 vị trí, taluy âm 18 vị trí. Tuyến Quốc lộ 34: Sạt lở taluy dương 132 vị trí, taluy âm 15 vị trí. Tuyến Quốc lộ 4: Sạt lở taluy dương 90 vị trí, taluy âm 9 vị trí. Tuyến đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú: Sạt lở taluy dương 26 vị trí, taluy âm 1 vị trí... Cùng với đó, rất nhiều tuyến đường tỉnh, đường liên xã cũng xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún, với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đất, đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ... Tổng hợp toàn tỉnh thiệt hại về giao thông khoảng 44 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở GTVT Cù Duy Man cho biết: Sau những trận mưa to, kéo dài các tuyến đường giao thông của tỉnh bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước mắt, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khắc phục tạm thời để thông tuyến. Tuy nhiên, sự khắc phục tạm thời ẩn chứa nguy cơ rủi ro cao nên các phương tiện, máy máy phải túc trực thường xuyên. Nhưng còn với các tuyến Quốc lộ, thuộc Bộ GTVT ban bố tính trạng khẩn cấp nên Sở và các đơn vị quản lý gặp khó khăn trong việc đưa ra phương án, kế hoạch giải quyết nên tạm thời mới chỉ xử lý để thông xe. Trước thực tế và những khó khăn đó, ngành GTVT và từng lãnh đạo, cán bộ thường xuyên trực tại hiện trường, những nơi xảy ra sạt lở cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân giải quyết trong thời gian chờ Bộ GTVT công bố lệnh khẩn cấp về tình trạng thiên tai mới có phương án triệt để.

Trước thực trạng và diễn biến thời tiết đang có diễn biết hết sức phức tạp, khó lường, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trực bão lũ 24/24; tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lún, sạt lở để có phương án xử lý và phân luồng giao thông; bố trí lực lượng trực gác hướng dẫn giao thông tại các vị trí ngập sâu, vị trí tràn ngập nước chảy xiết, để người tham gia giao thông được an toàn. Thực hiện nguyên tắc ứng phó sự cố thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp với các địa phương, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên triển khai ngay công tác khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hót dọn sạt lở, khơi thông hệ thống thoát nước, tiến hành đặt rào chắn, đặt biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.

Bài, ảnh: PHI ANH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/no-luc-khac-phuc-sat-lo-duong-dam-bao-an-toan-giao-thong-82141e4/