Nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza
Ngày 17-9, nội các an ninh Israel đã xác nhận việc ngăn chặn các cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở phía Bắc Israel để cho phép hàng chục ngàn cư dân trở về nhà hiện là mục tiêu chiến tranh chính thức. Xác nhận này được đưa ra trong bối cảnh Nhà nước Do Thái đang cân nhắc một chiến dịch quân sự rộng lớn hơn, qua đó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn diện.
Israel chọn hành động quân sự
Ngày 17-9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố mở rộng các mục tiêu chiến tranh của nước này, bao gồm cả việc đưa những cư dân phía Bắc, vốn đang chạy trốn khỏi cuộc giao tranh xuyên biên giới với đồng minh Hezbollah của Hamas trở về.
Cùng ngày, báo Hayom của Israel trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tư lệnh Quân khu miền Nam của Lực lượng phòng vệ Israel, Thiếu tướng Ori Gorder đề xuất cho quân đội thành lập vùng đệm an ninh ở miền Nam Lebanon dưới sự kiểm soát của Israel.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant trong cuộc trò chuyện với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin nhận định khả năng giải quyết xung đột với phong trào Hezbollah của người Shi’ite ở Lebanon thông qua đàm phán đang thu hẹp. Vì vậy giờ đây cách duy nhất để bảo vệ an ninh cho miền Bắc Israel là bắt đầu hành động quân sự chống lại phong trào này.
Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng Netanyahu đang cân nhắc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gallant và thay thế ông bằng một chính trị gia được coi là có quan điểm diều hâu hơn nhiều. Đây sẽ là cuộc thay đổi lãnh đạo lớn nhất ở Israel kể từ khi cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas gây ra cuộc chiến ở Gaza và kích động căng thẳng rộng lớn hơn trong khu vực.
Hơn 41.000 thường dân thiệt mạng
Phía Israel tuyên bố nước này ưu tiên giải pháp ngoại giao, theo đó Hezbollah sẽ phải lùi xa biên giới hơn. Tuy nhiên, phía Hezbollah tuyên bố chỉ có chấm dứt chiến tranh ở Gaza mới có thể ngăn chặn được giao tranh hiện nay.
Trong thông điệp gửi thủ lĩnh phong trào Houthi ở Yemen - ông Abdul Malik al-Houthi, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar tuyên bố lực lượng này hiện sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài chống lại Israel; đồng thời khẳng định các lực lượng khác ở Gaza, Iraq, Lebanon và Yemen sẽ “bẻ gãy ý chí của Israel” sau khi Houthi tấn công bằng tên lửa vào miền Trung Israel hôm 15-9.
Trong một động thái khác có liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 16-9 cho biết, nước này vẫn đang phối hợp với 2 nhà hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra đề xuất sửa đổi dành cho thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ngày 16-9, Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Cảnh Sảng kêu gọi Mỹ thực hiện các hành động cụ thể để thúc đẩy Israel chấm dứt không chậm trễ hoạt động quân sự ở Dải Gaza, vốn đã khiến hơn 41.000 thường dân Palestine thiệt mạng, trong đó có hơn 11.000 sinh viên.
Ông chỉ ra rằng nếu Mỹ không cản trở trong tất cả những lần họp, Hội đồng Bảo an có thể đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay sau khi xung đột nổ ra, và nếu Mỹ không liên tục bảo vệ một bên, nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an sẽ không bị bác bỏ.
Các chuyên gia nhân quyền của LHQ ngày 16-9 đã cảnh báo Israel có nguy cơ “bị ruồng bỏ” trên trường quốc tế vì “tội ác diệt chủng” ở Dải Gaza, cho rằng nên đặt dấu hỏi về tư cách thành viên LHQ của Tel Aviv.
Phát biểu nhân khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) tại Geneva, các chuyên gia độc lập của LHQ đã lên án những gì mà họ gọi là tình trạng bạo lực leo thang và vi phạm nhân quyền của Israel ở Dải Gaza và Bờ Tây, cho rằng nước này coi thường các phán quyết của tòa án quốc tế và đưa ra những tuyên bố chỉ trích trực tiếp nhắm vào LHQ.
Các báo cáo viên - những người được UNHRC bổ nhiệm nhưng không đại diện cho LHQ cũng chỉ trích “tiêu chuẩn kép” của các nước phương Tây và khẳng định Israel cần phải chịu hậu quả cho hành động của mình.